Ukraine thất thủ ở Krynky, chiến dịch vượt sông Dnipro chấm dứt?

Chiến dịch vượt sông Dnipro của Ukraine nhằm thiết lập đầu cầu đổ bộ tại làng Krynky ở Kherson dường như chấm dứt sau khi quân đội Ukraine cho biết, các vị trí của họ trong ngôi làng này đã bị phá hủy hoàn toàn.

Phát biểu với Kiev Independent hôm 17/7, ông Dmytro Lykhovii – người phát ngôn của lực lượng Tavria của Ukraine cho biết: “Lực lượng phòng vệ Ukraine tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở tả ngạn sông Dnipro, đặc biệt là ở khu định cư Krynky. Tuy nhiên, hầu hết các vị trí chủ chốt ở Krynky đã bị phá hủy hoàn toàn trước hỏa lực dữ dội và kéo dài của đối phương”.

ukraine that thu o krynky, chien dich vuot song dnipro cham dut hinh anh 1
Lính Ukraine cầm súng ngồi xuồng trên sông Dnipro. Ảnh: AP.

Khi các cuộc giao tranh trong khu vực đi đến hồi kết, vẫn còn một số câu hỏi được đặt ra như mục đích của hoạt động vượt sông là gì? Ukraine đã đạt được những gì và mất những gì khi thực hiện chiến dịch này?

Hoạt động của Ukraine thiết lập đầu cầu đổ bộ ở tả ngạn sông Dnipro do Nga kiểm soát đã gây tranh cãi ngay từ đầu. Hoạt động này được triển khai vào mùa thu năm 2023, được coi là nỗ lực nhằm mở ra một mặt trận mới ở phía Nam, để làm gián đoạn tuyến hậu cần của Moscow và giữ chân các đơn vị của Nga trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cảnh báo rằng, để thiết lập đầu cầu đổ bộ, quân đội Ukraine phải thực hiện các cuộc vượt sông nguy hiểm, dễ bị cản trở về mặt hậu cần và khó tạo ra bước đột phá nhanh chóng.

Những trận đánh ác liệt trên vùng đất đầm lầy

Vào mùa thu năm 2022, Ukraine đã tiến hành cuộc phản công đẩy lùi Nga ra khỏi thành phố Kherson và các khu định cư khác ở bờ Tây sông Dnipro. Kể từ đó, con sông Dnipro và vùng đầm lầy rộng lớn khoảng vài km đã trở thành rào cản tự nhiên chia cắt vị trí của Nga và Ukraine trong khu vực.

Đến tháng 2/2023, quân đội Ukraine bắt đầu tiến hành các cuộc đột kích mạo hiểm qua sông, nhằm thăm dò hệ thống phòng thủ của Nga ở bờ Đông. Mùa hè năm 2023, một số báo cáo cho biết, Ukraine đã thiết lập được một đầu cầu ở bên kia sông Dnipro gần cây cầu Antonivsky bị phá hủy. Chiến dịch được đẩy lên cao trào vào tháng 10/2023 khi Kiev tiến vào Krynky – một ngôi làng nhỏ ở bờ đông. Khu định cư này trở thành đầu cầu quan trọng cho hoạt động vượt sông của Ukraine, nhưng cũng là tâm điểm của các cuộc giao tranh dữ dội.

Nga tung một lượng lớn binh sỹ vào Krynky nhưng tiền tuyến phần lớn vẫn không dịch chuyển trong nhiều tháng, bất chấp tổn thất của cả hai bên. Tuy vậy, số lượng binh sỹ mà Nga triển khai trong khu vực vẫn tiếp tục gia tăng. Các chuyên gia ước tính, quân số của Nga đã tăng từ 64.000 vào mùa thu năm 2023 lên tới 120.000 vào tháng 7/2024.

Khi cuộc chiến giành các vị trí quan trọng kéo dài nhiều tháng, binh sỹ Ukraine tham gia chiến dịch nói rằng, tình hình giao tranh rất ác liệt. Những binh sỹ Ukraine vượt sông bằng thuyền đã trở thành mục tiêu tấn công dễ dàng của máy bay không người lái và súng cối của Nga. Khi đổ bộ lên bờ đông, họ không còn nơi nào để ấn náu do vùng địa hình hầu hết là đầm lầy và không còn tòa nhà nào nguyên vẹn trong khu vực. Đầu cầu đổ bộ tiếp tục đối mặt với làn sóng tấn công của Nga, trong khi lực lượng Ukraine tiếp tục hứng chịu tình trạng thiếu trang thiết bị để chống trả.

Quá trình vượt sông để cung ứng vật tư và quân tiếp viện rất nguy hiểm và sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ vào đầu năm 2024 khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Các binh sỹ Ukraine phàn nàn rằng việc đào hào hoặc đào hầm gần như không thể thực hiện được ở địa hình đầm lầy và khi Krynky chuyển thành “một đống gạch vụn”, họ chẳng có gì để bám víu. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, khi giao tranh ở bờ Đông vẫn đang tiếp diễn, việc mất Krynky có thể là “hồi chuông báo tử” cho chiến dịch vượt sông của Ukraine.

Ukraine được gì và mất gì?

Việc Ukraine giành quyền kiểm soát Krynky diễn ra vào thời điểm cuộc phản công của nước này ở phía Nam và phía Đông không đạt được bất cứ mục tiêu quan trọng nào. Nhiều nhà phân tích cho rằng, mục tiêu chính của Kiev là chứng tỏ họ có thể đạt được một số thành công nhất định để thuyết phục người dân và các đối tác phương Tây.

Phát biểu với Kiev Independent vào cuối năm 2023, ông Michael Kofman – thành viên cấp cao tại Quỹ tài trợ Carnegie vì Hoà bình quốc tế cho rằng: “Hoạt động vượt sông vừa có mục tiêu quân sự, lại vừa có mục tiêu chính trị, tạo cảm giác rằng các lực lượng Ukraine vẫn đang trong thế tấn công”.

Ukraine muốn tiến về phía Đông, để tạo vùng đệm giữa quân đội Nga ở phía Đông và bờ Tây do Ukraine kiểm soát, khiến Moscow khó tấn công thành phố Kherson và các làng mạc xung quanh. Kiev đã đạt được một số thành công khi thiết lập sự hiện diện ở bờ Đông, nhưng các binh sỹ nước này cho biết, cái giá phải trả vượt xa lợi ích chiến thuật của hoạt động này.

Theo chuyên gia Michael Kofman, hoạt động thiết lập đầu cầu đổ bộ có thể mang lại một số kết quả nếu kết hợp với cuộc tấn công vào tỉnh Zaporizhzhia, nhưng điều đó đã không được thực hiện. Cuối cùng, Ukraine không những không đạt được những bước tiến về mặt lãnh thổ mà còn gây áp lực lớn cho các binh sỹ nước này đang chiến đấu tại Krynky. Các lực lượng Nga đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau trong hoạt động tấn công nhằm vào vị trí của Ukraine. Các binh sỹ Ukraine cho biết, do tính chất ác liệt của các cuộc giao tranh nên việc điều trị hoặc đưa những người bị thương ra khỏi khu vực xung đột rất khó khăn.

Chuyên gia quân sự Oleksandr Kovalenko cho biết, lực lượng Ukraine đã rút khỏi vị trí của họ ở Krynky và chiến dịch vượt sông kéo dài nhiều tháng qua không giúp họ chiếm lại bất cứ vùng lãnh thổ nào ở bờ Đông. Nhưng ít nhất điều này đã giúp kìm chân Nga, khiến họ không thể triển khai lực lượng tới các nơi khác. Tuy vậy giới chỉ huy quân sự của Ukraine đã bị chỉ trích vì khiến lực lượng của họ chiến đấu quá sức. Ước tính, có hơn 1.000 binh sỹ Ukraine đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở bên trong hoặc xung quanh Krynky.

Nguồn: Vov.vn