Với việc đương kim Tổng thống Joe Biden kết thúc nỗ lực tái tranh cử và đề cử Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên ra tranh cử, đảng Dân chủ sẽ phải đối mặt với chặng đường đầy chông gai trước mắt khi phải giải quyết hàng loạt vấn đề từ hậu cần, tài chính cho đến các hậu quả chính trị tiềm tàng.
Bất chấp sự ủng hộ của Tổng thống Biden, vẫn chưa rõ liệu bà Harris có trở thành ứng cử viên hay không hay Đảng Dân chủ sẽ thực hiện quy trình nào để chọn người thay thế?
Chiều 21/7 (theo giờ địa phương), Tổng thống Joe Biden bất ngờ thông báo kết thúc chiến dịch tái tranh cử năm 2024 và đề cử Phó Tổng thống Kamala Harris đối đầu với ứng cử viên Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump. Bà Harris ngay sau đó tuyên bố bày tỏ vinh dự khi nhận được đề cử và khẳng định mục tiêu sẽ giành được đề cử chính thức của đảng.
Thế khó của đảng Dân chủ
Theo quy định của đảng Dân chủ, hiện có 2 cách thức để chính thức bầu chọn ra ứng cử viên thay thế Tổng thống Biden ra tranh cử với ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm nay. Một, đảng Dân chủ sẽ bỏ phiếu trực tuyến để lựa chọn một ứng cử viên mới vào đầu tháng 8. Hai, đảng Dân chủ sẽ tổ chức đại hội mở, một kịch bản mà đảng chưa từng trải qua kể từ năm 1968.
Đại hội mở được tổ chức khi không có ứng cử viên nào đạt được đa số đại biểu rõ ràng, vì vậy sự kiện này trở thành một cuộc bầu cử sơ bộ nhỏ trong đó các ứng cử viên tranh giành để thuyết phục các đại biểu bỏ phiếu cho họ. Nếu đảng Dân chủ tiến hành bỏ phiếu trực tuyến, họ có thể chính thức chốt ứng cử viên trước khi đại hội bắt đầu ngày 19/8 tới và cuộc đua lựa chọn ứng cử viên sẽ kết thúc. Vì vậy, các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đang cố gắng giải quyết vấn đề đề cử trước Đại hội toàn quốc.
Trong bối cảnh chỉ còn hơn ba tháng trước ngày bầu cử, việc Tổng thống Biden rút lui đã đặt phe Dân chủ vào tình thế rất khó khăn. Giới phân tích Mỹ nhận định việc lựa chọn Phó Tổng thống Harris làm ứng cử viên ra tranh cử vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với đảng Dân chủ, một phần vì tỷ lệ tín nhiệm của bà trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây không tốt hơn đáng kể so với ông Biden, và một phần vì chiến dịch tranh cử thiếu ấn tượng của bà trong kỳ bầu cử 2020.
Trong khi đó, những ứng cử viên tiềm năng khác, vốn được coi có thể thay thế Tổng thống Biden như Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer hay Thống đốc California Gavin Newsom chưa có đủ uy tín thực tế cũng như tính chính danh để tập hợp nội bộ Đảng Dân chủ thành một khối thống nhất như liên danh Biden-Harris trong kỳ bầu cử 2020.
Giải pháp ít xấu nhất chứ không phải tốt nhất
Về mặt logic, Phó Tổng thống Harris là người thừa kế đương nhiên tấm vé với tư cách là người đồng hành cùng Tổng thống Biden. Sau tuyên bố rút khỏi cuộc đua, của ông Biden, bà Harris cho biết có kế hoạch tìm kiếm đề cử của đảng Dân chủ và nỗ lực để trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên dẫn đầu tấm vé của một đảng chính trị lớn.
Tổng thống Biden đã giành chiến thắng ở gần như mọi cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín ở các bang vào đầu năm nay với ít nhất 3.896 đại biểu đã cam kết ủng hộ. Nội quy hiện tại của đảng không cho phép ông Biden chuyển các cam kết này cho ứng cử viên khác. Trước khi ông Biden công bố quyết định của mình, đảng Dân chủ đã đề cử Thống đốc California Gavin Newsom và Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer là những ứng cử viên tiềm năng ngoài bà Harris.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Dân chủ đã lập luận công khai rằng việc ủng hộ người phụ nữ đầu tiên, người phụ nữ da màu đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên lên nắm giữ chức vụ quốc gia là điều hiển nhiên.
Nếu bà Kamala Harris được chọn làm làm ứng cử viên tổng thống trong Đại hội toàn quốc sắp tới thì vấn đề được quan tâm nhiều nhất sẽ là việc ai sẽ trở thành liên danh tranh cử. Hiện đã có một số cái tên được đề cử làm ứng cử viên Phó Tổng thống.
Một số ứng cử viên chính là những người được đề xuất thay thế ông Biden, bao gồm Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro. Một số ý kiến khác cho biết, một số gương mặt khác cũng có tiềm năng như Roy Cooper, Thống đốc bang Bắc Carolina, Thượng nghị sĩ Mark Kelly bang Arizona hay Thống đốc bang Kentucky Andy Beshear, thậm chí là Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg. Vì bà Harris đại diện cho bang California, tính cạnh tranh trong nội bộ đảng Dân chủ không cao nên đảng này có thể nghiêng về việc lựa chọn Phó Tổng thống từ một bang chiến địa để tìm kiếm thêm ủng hộ của cử tri.
Sự trỗi dậy của Phó Tổng thống Harris
Phó Tổng thống thứ 49 của nước Mỹ Kamala Harris sinh ngày 20/10/1964, là một chính trị gia và luật sư. Bà cũng là nữ Phó Tổng thống đầu tiên và là nữ quan chức nắm giữ vị trí cao nhất trong lịch sử nước Mỹ, đồng thời cũng là Phó Tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên.
Sinh ra ở Oakland, California, cha mẹ đều là dân nhập cư, mẹ gốc Ấn Độ, còn cha gốc Jamaica, bà Harris tốt nghiệp Đại học Howard, Đại học California và trường luật Hastings. Bà Harris bắt đầu sự nghiệp của mình tại Văn phòng Biện lý Quận Alameda, trước khi được tuyển vào Văn phòng luật sư quận San Francisco và sau đó là Văn phòng Luật sư thành phố San Francisco.
Bảy năm sau, bà được bầu làm Tổng chưởng lý California, người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên và giữ chức vụ này từ năm 2011 đến năm 2017. Ấn tượng nhất, bà Harris đã đánh bại đối thủ Loretta Sanchez trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016 để trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi thứ hai và là người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên phục vụ tại Thượng viện Mỹ, và đảm nhiệm cương vị này từ năm 2017 đến năm 2021.
Với vai trò thượng nghị sĩ, bà ủng hộ việc cải cách chăm sóc sức khỏe, hủy bỏ luật sử dụng cần sa của liên bang, tạo điều kiện thuận lợi cho những người nhập cư không có giấy tờ thực hiện quyền công dân, Đạo luật DREAM, lệnh cấm vũ khí tấn công và cải cách thuế lũy tiến.
Bà Harris nổi tiếng với phong cách thẩm vấn đanh thép trong các phiên điều trần với các quan chức được đề cử trong Chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions hay Thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh.
Trong suốt nhiệm kỳ Phó Tổng thống của mình, bà Harris đã phải vật lộn để xác định bản thân khi giải quyết một danh mục vấn đề bao gồm các chủ đề khó khăn như quyền bầu cử và ngăn chặn làn sóng người di cư đến từ Trung Mỹ. Về vấn đề di cư, bà Harris nhiều lần bị cả đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ trích vì không dành đủ thời gian ở biên giới hoặc tuyên bố những người di cư đừng đến Mỹ.
Trong năm 2023, một số thành viên Dân chủ đã lo lắng rằng những quan điểm tiêu cực về bà Harris có thể ảnh hưởng đến tấm vé liên danh tranh cử. Tuy nhiên, trong những tuần kể từ màn tranh luận thất bại vào tháng 6 của ông Biden, bà Harris đã bắt đầu ổn định, trở thành người đại diện chủ chốt cho chiến dịch tái tranh cử của ông Biden trong các vấn đề về sức khỏe sinh sản hay mối đe dọa mà ứng cử viên Trump đặt ra đối với nền dân chủ nước Mỹ.
Ngày càng nhiều quan chức và nhà tài trợ của đảng Dân chủ đã tập hợp lại ủng hộ bà Harris, tiêu biểu như Nhóm da màu trong Quốc hội (PAC), cựu Tổng thống Bill và Hillary Clinton, cũng như nhiều ứng cử viên Thượng viện của đảng Dân chủ.
Nguồn: Vov.vn