Khó khăn bủa vây, Tổng thống Zelensky lần đầu tiên ra dấu hiệu đàm phán với Nga?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hạ giọng trong bài phát biểu tuần này, ám chỉ việc sẵn sàng đàm phán với Nga lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra cách đây hơn 2 năm.

Tổng thống Zelensky hạ giọng, ám chỉ sẵn sàng đàm phán với Nga

Ông Zelensky đã đề nghị Moscow nên cử một phái đoàn tới hội nghị thượng đỉnh hòa bình tiếp theo mà ông hy vọng sẽ tổ chức vào tháng 11. Nga đã không được mời tới tham dự hội nghị hòa bình trước đó ở Thụy Sĩ vào tháng trước vì ông Zelensky tuyên bố rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào chỉ có thể diễn ra sau khi Nga rút khỏi Ukraine.

Kiev hiện đang đối mặt với thách thức kép là tình hình khó khăn trên chiến trường và sự không chắc chắn về mức độ hỗ trợ tương lai của các đối tác thân cận nhất.

kho khan bua vay, tong thong zelensky lan dau tien ra dau hieu dam phan voi nga hinh anh 1
Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành về phía quân đội Nga gần thị trần Chasov Yar. Ảnh: Reuters

Mặc dù tiến triển của quân đội Nga ở miền Đông Ukraine đã chậm lại đáng kể từ khi các vũ khí Mỹ bắt đầu đến nước này vào tháng 5 nhưng các cuộc tấn công vẫn chưa từng lại hoàn toàn. Nga tiếp tục chiếm thêm lãnh thổ mặc dù với tốc độ chậm hơn nhiều.

Trong khi đó, các câu hỏi được đặt ra về sự sẵn lòng của một số đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Ukraine, đặc biệt là Mỹ và Đức trong việc tiếp tục dồn lực vào cuộc xung đột để hỗ trợ Kiev.

Phát biểu với các phóng viên hôm 15/7, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine không nhận được đủ sự hỗ trợ từ phương Tây để giành chiến thắng trong cuộc xung đột, đồng thời chỉ ra rằng hậu quả của nó sẽ vượt ra ngoài biên giới Ukraine.

“Không phải mọi thứ đều phụ thuộc vào chúng tôi. Chúng tôi biết điều gì là cái kết chính đáng cho cuộc xung đột này nhưng điều đó không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi. Nó không chỉ phụ thuộc vào người dân và mong muốn của chúng tôi mà còn phụ thuộc vào tài chính, vũ khí, sự ủng hộ chính và sự đoàn kết trong EU, NATO cũng như trên thế giới”, Tổng thống Zelensky nói.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst nhận định, sự thay đổi tông giọng của ông Zelensky là nhằm phản ứng trước những sự kiện đang diễn ra ở Mỹ, nơi cựu Tổng thống Donald Trump hôm 15/7 đã thông báo về người đồng hành cùng mình trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng – Thượng nghị sĩ JD Vance – người đã chỉ trích mạnh mẽ việc cung cấp hỗ trợ cho Kiev.

Trao đổi với CNN từ Diễn đàn An ninh Aspen, ông Herbst nói rằng có thể Tổng thống Zelensky đang cố gắng tiếp cận chính quyền ông Trump trong tương lai bằng cách nhấn mạnh rằng ông sẽ sẵn sàng đàm phán – miễn đó là một thỏa thuận công bằng.

Cựu Tổng thống Trump và ông Zelensky đã trao đổi với nhau hôm 19/7 – điều mà ông Trump sau đó gọi là “một cuộc điện đàm rất tốt đẹp”.

Cựu Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ “mang lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt cuộc xung đột khiến nhiều người thiệt mạng này”, trong khi ông Zelensky tiết lộ hai người đã thảo luận về “những bước đi có thể khiến hòa bình trở nên công bằng và thực sự lâu dài”.

Những điều khoản không thể chấp nhận

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhắc lại trong những tháng gần đây rằng ông sẵn sàng đàm phán với Ukraine mặc dù với những điều kiện mà Ukraine và phương Tây vẫn hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine nếu Kiev công nhận 4 vùng lãnh thổ Nga sáp nhập gồm: Donetsk. Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia cũng như từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Orysia Lutsevych, Phó Giám đốc Chương trình Nga và Á – Âu tại Chatham House cho rằng, xem xét những yêu cầu công khai của Tổng thống Putin, những tuyên bố của ông Zelensky có thể coi như một thông điệp gửi tới phần còn lại của thế giới.

“Đó vừa là tín hiệu gửi tới Nga, vừa là một tín hiệu gửi tới bán cầu Nam rằng Ukraine không phải lực lượng cản trở. Ukraine sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tuân theo hoàn toàn các điều khoản của Nga và nó không thể dẫn đến việc Ukraine đầu hàng. Tổng thống Putin đang yêu cầu kiểm soát các vùng lãnh thổ mà ông ấy không thể chiếm được bằng quân sự”, chuyên gia này nhận định với CNN.

Bà Lutsevych tin rằng Tổng thống Putin tăng cường kêu gọi đàm phán vì ông biết cánh cửa cơ hội của mình đang khép lại.

Theo chuyên gia này, mặc dù lớn hơn và mạnh hơn đáng kể so với Ukraine nhưng Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu lãnh thổ của mình – ngay cả khi Kiev chỉ nhận được sự hỗ trợ hạn chế từ phương Tây.

Tương lai bấp bênh của Ukraine

Hỗ trợ quân sự mới của Mỹ bắt đầu đến tiền tuyến Ukraine vào tháng 5 sau thời gian dài trì hoãn do bế tắc chính trị tại Quốc hội Mỹ. Đồng thời, Ukraine cuối cùng đã nhận được sự cho phép từ một số quốc gia phương Tây để sử dụng các vũ khí của họ tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga – mặc dù chỉ trong một khu vực hạn chế và các khu vực gần biên giới với Ukraine.

Trong khi điều này giúp làm chậm tiến độ của Nga và ngăn chặn khả năng tái chiếm khu vực Kharkov thì Ukraine vẫn đang tập trung bảo vệ lãnh thổ thay vì đẩy mạnh tấn công giành lại các khu vực hiện bị Nga kiểm soát.

“Các lực lượng của Ukraine sẽ phải tích lũy trang thiết bị và nhân lực cho chiến dịch tấn công tương lai và đó là một phần tính toán của Nga mà chúng ta đang thấy. Bộ Chỉ huy Nga dường như đang theo đuổi một chiến lược nhằm tiến hành các cuộc tấn công dữ dội và nhất quán dọc toàn bộ tiền tuyến”, Riley Bailey, nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington nhận định.

Theo chuyên gia Bailey, bằng cách thực hiện những bước tiến dần dần dọc chiến tuyến dài hơn 1.000km, Nga đang buộc Ukraine phải phòng thủ thay vì chuẩn bị cho tấn công.

“Họ sẽ cần làm suy yếu các lực lượng của Nga và khả năng này – vốn là một phần của các chiến dịch tấn công, sẽ mang tới sự linh hoạt hơn và giảm bớt một số áp lực. Ukraine sau đó có thể đưa ra một số lựa chọn mà họ chưa thể thực hiện trong một vài tháng qua”, ông Bailey cho hay.

Thành công của bất kỳ cuộc phản công nào trong tương lai của Ukraine sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ hỗ trợ mà nước này nhận được từ phương Tây. Ông Zelensky cho biết trong tuần này rằng mức độ hỗ trợ hiện tại đủ để ngăn những bước tiến tiếp theo của Nga nhưng không đủ để giành chiến thắng trong cuộc xung đột.

Tuần này chứng kiến nhiều sự không chắc chắn hơn trong khía cạnh này khi ông Trump thông báo ông đã chọn Thượng nghị sĩ Vance làm ứng viên phó tổng thống của mình. Ông Vance trước đó đã đề nghị Ukraine nên đàm phán với Nga vì Mỹ và các đồng minh khác không có khả năng hỗ trợ nước này. Bản thân ông Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ “kết thúc xung đột trong một ngày” và nói rằng Mỹ không nên cung cấp tài chính cho Ukraine mà không có sự ràng buộc nào.

Trong khi đó, có thông tin rằng Đức – một trong những nước ủng hộ Ukraine lớn nhất, có kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới, mặc dù Đức cho rằng Ukraine có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu quân sự của mình với khoản vay 50 tỷ USD từ tiền thu được của các tài sản của Nga bị đóng băng.

Nếu kịch bản xấu nhất đối với Ukraine xảy ra – đó là Mỹ ngừng viện trợ, châu Âu không tăng cường hỗ trợ và Ukraine không thể tiếp cận các tài sản bị đóng băng của Nga thì Moscow có thể đạt được những thành quả lớn hơn nhiều.

Ông Herbst cho rằng nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới thì chính sách hỗ trợ Ukraine hiện tại có thể sẽ tiếp tục với nhiều khoản viện trợ hơn.

“Nếu ông Trump giành chiến thắng, chúng ta không biết ông ấy sẽ làm gì”, chuyên gia này nói.

Các nhà phân tích hy vọng gói viện trợ Ukraine – trị giá 60 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt đầu năm nay – sẽ giúp Kiev kéo dài trong 1 năm đến 18 tháng, có thể là thời gian đủ để Ukraine tập hợp lại lực lượng và tiến hành một cuộc phản công mới.

Bà Lutsevych cho biết Ukraine rất cần đạt được thành quả trên chiến trường và sau đó xem liệu Nga có thực sự mong muốn đàm phán hay không – điều mà bà cho rằng hiện tại có vẻ không thực tế.

Mặc dù giọng điệu của ông Zelensky có thể đã thay đổi trong tuần này nhưng quan điểm của ông về một thỏa thuận hòa bình thì vẫn chưa thay đổi, hoặc ít nhất là không công khai.

Nguồn: Vov.vn