Ngày “trở về” của các liệt sĩ sau hàng chục năm nhờ ngân hàng gen

Có những năm vào ngày 27/7, bà Phạm Thị Vinh một mình thâu đêm ở nghĩa trang liệt sĩ cầu nguyện, mong sớm ngày tìm được mộ anh trai là liệt sĩ Phạm Văn Thước. Ngày 27/7 năm nay, bà Vinh cũng khóc nghẹn, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi được “đoàn tụ” với anh trai sau bao năm tìm kiếm.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những mất mát, đau thương vẫn còn đó, khi còn bao liệt sĩ vẫn nằm lại chiến trường xưa, tại các nghĩa trang vẫn còn bao tấm bia ghi dòng chữ  “liệt sĩ chưa biết tên”, vẫn còn đó bao gia đình với những người cha, người mẹ, người vợ cùng các con cháu vẫn khắc khoải chờ mong. Thời gian trôi xa, cũng là khi việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn hơn.

Hàng chục năm nay, bà Phạm Thị Vinh (Bảo Lộc, Lâm Đồng) vẫn đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ để tìm mộ anh trai là liệt sĩ Phạm Văn Thước. Nghe đồng đội cũ của anh, hay người quen mách địa điểm nào, bà Vinh cũng khăn gói lên đường đi tìm thông tin.

ngay tro ve cua cac liet si sau hang chuc nam nho ngan hang gen hinh anh 1
Bà Phạm Thị Vinh cầm trên tay giấy giám định ADN của liệt sĩ Phạm Văn Thước

“Năm 1971 anh tôi lên đường đi kháng chiến, đến năm 1975 anh hy sinh, nhưng đến tận năm 1985 mới có giấy báo tử, nhưng ngày đó gia đình khó khăn, nên chưa có điều kiện đi tìm anh. Ngày anh đi bộ đội mới vừa tròn 17 tuổi. Khi ấy những ký ức của tôi về anh cũng chỉ mơ hồ, không nhớ rõ mặt. Gia đình còn giữ lại được một bức ảnh đen trắng hồi trẻ của anh, theo thời gian bức ảnh cuối cùng ấy cũng dần rách nát, không còn giữ được. Mấy chục năm nay, trên bàn thờ không có lấy một tấm ảnh, chỉ có dòng chữ: Liệt sĩ Phạm Văn Thước.

Mấy chục năm qua, tôi vẫn đau đáu nỗi niềm được đưa anh trở về với gia đình, quê hương. Đến khi bố mẹ tôi già yếu, thời khắc gần đất, xa trời, ông bà vẫn căn dặn chúng tôi phải tìm bằng được anh, để đưa anh về nhà”, bà Vinh nghẹn ngào chia sẻ.

Bà Vinh kể, ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nào cũng vậy, khi cả nước hướng về những người đã hy sinh cho Tổ quốc, bên cạnh niềm tự hào, là niềm nhớ thương vô tận. Nhiều năm một mình bà Vinh đi khắp các nghĩa trang mà theo bà anh trai mình đang ở đó: “Có những năm khi các đoàn đã đi thắp hương về hết, tôi vẫn một mình ở lại nghĩa trang đó cả đêm cầu nguyện, mong sớm tìm được mộ anh trai”.

Ngày 27/7 năm nay với bà mọi niềm vui vỡ òa khi gia đình bà là 1 trong 10 gia đình đầu tiên được nhận lại hài cốt liệt sĩ nhờ giám định ADN: “Nghe tin xong, cả đêm hôm ấy và nhiều ngày sau tôi đều xúc động, vui mừng đến không thể ngủ được. Cuối cùng tôi cũng tìm được anh trai, đưa anh về với gia đình, quê hương, hoàn thành tâm nguyện của bố mẹ tôi lúc sinh thời”, bà Vinh nói.

Giống như gia đình bà Phạm Thị Vinh, ngày 27/7 năm nay, gia đình ông Nguyễn Đức Kim – cháu liệt sĩ Nguyễn Chí Cường cũng được đón niềm vui tương tự khi tìm được hài cốt liệt sĩ nhờ giám định ADN.

Liệt sĩ Nguyễn Chí Cường sinh năm 1942 tại thôn Trung Tiến, xã Tây Lương; nhập ngũ năm 1967 và hy sinh ngày 10/6/1972. Thi hài liệt sĩ Nguyễn Chí Cường được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn (Bình Định).

Khi ông hy sinh, người dân địa phương đã an táng, song do sơ suất của đội quy tập, bia mộ ông bị khuyết thông tin khiến nhiều năm qua gia đình và các cơ quan chức năng khó khăn trong việc xác định danh tính.

Vừa qua, nhờ sự kết nối của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình, gia đình liệt sĩ Nguyễn Chí Cường đã phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức, làm các thủ tục cần thiết đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại địa phương sau hơn 50 năm xa quê hương.

ngay tro ve cua cac liet si sau hang chuc nam nho ngan hang gen hinh anh 2
Gia đình ông Nguyễn Đức Kim đưa liệt sĩ Nguyễn Chí Cường từ nghĩa trang Nhơn Hưng về quê an táng

Ông Nguyễn Đức Kim, cháu ruột liệt sĩ Nguyễn Chí Cường là người được gia đình giao trọng trách và dốc nhiều công sức nhất trong công cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ. Bản thân ông Kim cũng là một người lính, hơn ai hết, ông hiểu thấu nỗi đau, những hy sinh mất mát của người mợ và các em phải gánh chịu.

“Sau khi cậu tôi hy sinh, mợ ở vậy nuôi các em khôn lớn. Trong suốt thời gian ấy, mợ luôn khắc khoải nỗi nhớ, niềm mong mỏi tìm thấy hài cốt chồng. Đến khi mợ tôi mắc bệnh, ốm rồi qua đời, bà vẫn dặn dò, đặt niềm tin nhờ tôi cố gắng tìm bằng được cậu để đưa cậu về nhà”, ông Kim kể.

ngay tro ve cua cac liet si sau hang chuc nam nho ngan hang gen hinh anh 3
Lễ an táng liệt sĩ Nguyễn Chí Cường tại quê nhà

Nói về hành trình đi tìm người cậu liệt sĩ, ông Kim chia sẻ, lần theo những lời kể của đồng đội của cậu, ông từng tìm vào đúng nghĩa trang nơi liệt sĩ Nguyễn Chí Cường đang yên nghỉ, nhưng vì thấy tên trên bia mộ không trùng khớp, khi đó ông lại trở về.

Gần nửa thế kỷ qua, khi chiến tranh càng lùi xa, manh mối về liệt sĩ Nguyễn Chí Cường càng nhạt nhòa dần, việc đi tìm hài cốt liệt sĩ cũng càng lúc càng khó khăn hơn. Trong những năm tháng ấy, ông Kim cùng các thành viên trong gia đình chỉ biết thành tâm cầu mong vận may sẽ đến, ngày nào ông cũng chăm chú viết nhật ký, ghép nối lại những manh mối mong manh để tìm người cậu đã hy sinh.

Khi vợ Liệt sĩ Nguyễn Chí Cường qua đời, ông Kim càng quyết tâm tìm bằng được mộ của cậu, hoàn thành tâm nguyện của mợ. 

Năm 2016, khi có được thông tin về nơi hy sinh và an táng ban đầu của cậu, ông Kim đã lên đường từ Thái Bình vào Bình Định để tìm. Đến năm 2019, việc tìm kiếm bị gián đoạn bởi dịch bệnh, song giai đoạn này quân đội vẫn không ngừng đốc thúc việc giải mã ký hiệu để xác định vị trí chôn cất và tên tuổi liệt sĩ. Điều đó càng giúp ông Kim có thêm hy vọng.

Qua thông tin tìm hiểu từ phía quân đội, ông Kim được biết, chỉ có 2 người tên Cường ở ngoài Bắc vào Bình Định kháng chiến thời gian đó. Một người quê ở Hà Tây cũ đã được gia đình đón về. Ông Kim suy luận rất có thể người còn lại là cậu mình, dù tên trên bia mộ không giống. Lúc này ông có một niềm tin mạnh mẽ rằng sẽ tìm được cậu.

Khi đã có đủ căn cứ, tháng 7/2023, ông Kim làm các giấy tờ để lấy mẫu sinh phẩm, giám định AND, xác minh thông tin liệt sĩ Nguyễn Chí Cường.

Sau những cố gắng, kiên trì tìm kiếm, tháng 7/2024, gia đình ông Cường đã nhận được kết quả giám định AND của Trung tâm Pháp y quốc gia – Bộ Y tế.

Chấp thuận đơn đề nghị của gia đình, được phép của cơ quan chức năng, gia đình ông Kim đã di dời hài cốt liệt sĩ Nguyễn Chí Cường từ nghĩa trang liệt sĩ Nhơn Hưng, An Nhơn, Bình Định về quê nhà tại thôn Trung Tiến, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để làm lễ an táng theo tập quán địa phương.

Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đào Ngọc Lợi cho biết, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được quy định tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ giao cho các địa phương xây dựng kế hoạch lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ, tiếp nhận mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ gửi về các cơ sở giám định. Đây là phương pháp xác định chính xác mối quan hệ huyết thống của liệt sĩ với thân nhân, song thực tiễn triển khai còn gặp nhiều vấn đề khó khăn.

Đối với công tác giám định gen, hầu hết hài cốt liệt sĩ chôn cất trên 50 năm, thực hiện di chuyển một số lần. Vì vậy, nhiều hài cốt không lấy được mẫu để phân tích, hoặc lấy được mẫu nhưng chất lượng ADN tổng hợp được không đạt để so sánh, đối khớp với thân nhân.Ngoài ra, nhiều trường hợp, người có quan hệ huyết thống với liệt sĩ đa số đã già yếu, nhiều gia đình thậm chí không còn người để lấy mẫu. Một số cơ sở giám định ADN đã được nâng cấp nhưng chưa đồng bộ với trang thiết bị, máy móc cũ, đội ngũ giám định viên còn thiếu nên ảnh hưởng đến hiệu quả của việc giám định ADN.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trăn trở, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin. 

“Thời gian qua, chúng ta đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Nguồn: Vov.vn