Sau 2 ngày họp, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 hôm qua (26/7) đã bế mạc, với một số kết quả tích cực.
Các nhà lãnh đạo G20 đã ra được tuyên bố chung cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm bất bình đẳng kinh tế. Các bên cũng đạt sự đồng thuận trong việc đánh thuế giới siêu giàu và khẳng định tầm quan trọng của việc chống biến đổi khí hậu.
Trong thông cáo chung sau cuộc họp kéo dài hai ngày ở Brazil, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế lớn khẳng định, nền kinh tế toàn cầu có thể đang hướng tới một cuộc “hạ cánh mềm”, nhưng cảnh báo các cuộc chiến tranh và xung đột leo thang có thể gây nguy hiểm cho triển vọng này, trong khi hợp tác toàn cầu nhiều hơn có thể giúp tăng trưởng kinh tế thế giới mạnh mẽ hơn.
Theo các nhà lãnh đạo G20, hoạt động kinh tế đã được chứng minh là có khả năng phục hồi tốt hơn ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia đã góp phần gây ra nguy cơ phân hóa kinh tế giữa các nước. Các nhà lãnh đạo G20 cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại và nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm bất bình đẳng kinh tế. Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị,
Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad nhấn mạnh: “Nếu đoàn kết quốc tế không mạnh mẽ hơn, rủi ro địa chính trị sẽ gia tăng. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, lợi ích cao của các quốc gia là phải dành nhiều không gian hơn cho sự đoàn kết quốc tế, cho hợp tác quốc tế, bởi vì hợp tác quốc tế là liều thuốc giải độc cho sự leo thang xung đột”.
Theo đánh giá của giới quan sát, bằng cách tránh đề cập rõ ràng đến các cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza, các Bộ trưởng tài chính G20 đã tìm cách tránh né những bất đồng vốn có giữa Nga và phương Tây vốn đã làm chệch hướng sự đồng thuận tại cuộc họp của các giám đốc tài chính G20 diễn ra vào tháng 2 vừa qua. Để xoa dịu bất đồng, nước chủ nhà Brazil đã soạn thảo tuyên bố chủ trì về các vấn đề địa chính trị, nhấn mạnh những vấn đề này sẽ được lãnh đạo G20 giải quyết vào tháng 11 tới.
Một trong những điểm sáng của hội nghị G20 lần này là việc các bên cuối cùng cũng đã nhất trí được về vấn đề đánh thuế giới siêu giàu dù đây là vấn đề gây tranh cãi giữa các bên. Nước chủ nhà Brazil đã đưa ra đề xuất áp thuế tối thiểu 2% đối với các tỷ phú,. Đây là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ chủ tịch Nhóm 20 của Brazil. Tuy nhiên, đề xuất đánh thuế tỷ phú của Brazil đã gây chia rẽ trong G20. Pháp, Tây Ban Nha và Nam Phi đã bày tỏ sự ủng hộ, trong khi Mỹ phản đối đề xuất.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad nêu rõ: “Tại cuộc họp này, chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận về một tuyên bố vềtình hình tài chính. Đây là một bước tiến rất có ý nghĩa. Chúng tôi luôn lạc quan về kết quả này nhưng nó thực sự vượt quá mong đợi ban đầu của chúng tôi. Điều đó có nghĩa là 20 quốc gia giàu nhất đã nhận ra rằng chúng ta có một vấn đề, đó là việc đánh thuế lũy tiến đối với người nghèo chứ không phải người giàu. Đây là sự bóp méo hoàn toàn nguyên tắc lũy tiến. Bạn càng nghèo, bạn càng phải trả nhiều thuế. Đây gần như là một quy luật”.
Ngoài vấn đề đánh thuế người giàu, các nhà lãnh đạo tài chính G20 cũng nhất trí, biến đổi khí hậu và sự mất mát về đa dạng sinh học là những vấn đề cần được quan tâm. G20 cũng đồng thời cảnh báo rằng nếu các quốc gia nghèo hơn phải gánh nhiều chi phí hơn để chống lại biến đổi khí hậu, điều đó sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.
Nguồn: Vov.vn