Đường liên vùng mở ra không gian phát triển mới cho miền núi Khánh Hoà

Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là đường giao thông liên vùng) được Quốc hội thông qua vào giữa năm 2023, đang thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù trong thi công dự án. Tuyến đường này là trục dọc phía Tây tỉnh Khánh Hòa, kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới cho khu vực miền núi.

Các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh là 2 địa phương phía Tây ở tỉnh Khánh Hòa với diện tích rộng lớn hàng ngàn km, nhiều cảnh quan đẹp, nông sản đặc hữu nhưng khu vực này chậm phát triển nhất tỉnh. Nguyên nhân chính là giao thông hạn chế, chưa có trục giao thông dọc kết nối. Ngay như huyện Khánh Sơn cũng chỉ có tuyến đường duy nhất là Tỉnh lộ 9 kết nối các địa phương khác, nguy cơ chia cắt, ách tắc giao thông khi mưa lũ. Hiện vùng giáp ranh rộng lớn giữa 2 huyện vẫn chưa có đường giao thông.

Duong lien vung mo ra khong gian phat trien moi cho mien nui khanh hoa hinh anh 1
Tuyến đường liên vùng kỳ vọng góp phần phát triển vùng miền núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa

Tháng 6/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Công trình có tổng chiều dài hơn 56km, có điểm đầu giao với Quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh, điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận. Đây là loại đường cấp III miền núi có bề rộng 9m gồm 2 làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 809 tỷ đồng. 

Duong lien vung mo ra khong gian phat trien moi cho mien nui khanh hoa hinh anh 2
Phía Tây tỉnh Khánh Hòa có nhiều nông sản nhưng việc tiêu thụ hạn chế vì gặp khó giao thông

Khi dự án này triển khai, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh rất mừng. Già làng PiNăng Ma Gia, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh cho biết người dân đã ủng hộ nhiệt tình: “Sau này, con đường này rất lợi cho bà con, giao thông thông suốt giữa 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh”.

Công trình đường giao thông liên vùng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra. Khánh Sơn, Khánh Vĩnh hiện là 2 huyện nghèo của tỉnh Khánh Hòa, tỷ lộ hộ nghèo rất cao. Con đường liên vùng sẽ giúp kết nối với 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, tạo điều kiện giao thương, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, thúc đẩy hình thành vùng nông nghiệp quy mô lớn, phát huy tối đa thế mạnh của địa phương. Đồng thời, tuyến đường đi qua rừng núi, trong đó, có 2 thác nước nổi tiếng là Yang Bay, Tà Gụ…, từ đó có thể phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Raglay.

Duong lien vung mo ra khong gian phat trien moi cho mien nui khanh hoa hinh anh 3
Tỉnh lộ 8, tuyến đường duy nhất lên huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa chật, hẹp, quanh co

Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, khi tuyến đường hoàn thành sẽ kéo 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh gần nhau hơn, tạo động lực mới thúc đẩy 2 huyện phát triển mạnh mẽ: “Đường liên vùng kết nối Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, mở được con đường này sẽ tạo điều kiện nhiều cho Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Tạo được quỹ đất, khai thác tiềm năng tài nguyên đất đai phía Nam của huyện, kết nối giao thông của huyện với tỉnh Lâm Đồng, huyện Khánh Sơn. Kích cầu được phát triển du lịch đồng bộ, đang có nhiều dư địa phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững. Qua đó, hướng đến tỉnh Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, với điều kiện là 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh phải thoát huyện nghèo”.

Duong lien vung mo ra khong gian phat trien moi cho mien nui khanh hoa hinh anh 4
Thác Yang Bay là thác nước đẹp tại huyện Khánh Vĩnh

Trong số hơn 56 km đường giao thông liên vùng có khoảng 30km đi qua địa hình đồi núi khó khăn và hơn 26 km là đường nâng cấp cải tạo. Tuyến đường đi qua khu vực rừng rộng đến 75 héc ta có nhiều đoạn hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc phải làm mới 14 cầu. Tỉnh Khánh Hòa áp dụng cơ chế đặc thù Nghị quyết 55/2022 của Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, tách dự án thành các dự án thành phần: giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa, chủ đầu tư dự án cho biết, đây là dự án đầu tiên tại tỉnh Khánh Hòa tách thành các dự án thành phần nên việc áp dụng các quy định pháp luật còn lúng túng. Tuy nhiên, đến nay, khó khăn này đã được tháo gỡ, tách dự án, thực hiện song song bồi thường, giải tỏa, thi công sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện. Chủ đầu tư sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo khoảng 26km đường hiện hữu để dưa vào sử dụng trước, 30km ở giữa, vướng  đất rừng, địa hình khó khăn, sẽ hoàn thành vào năm 2027, đúng kế hoạch được duyệt.

Ông Phạm Văn Hòa cho biết: “Chúng tôi thí điểm trong tách dự án thành phần giải phóng mặt bằng, vừa học hỏi vừa làm. Bây giờ đã thuận lợi rồi, gói thầu thiết kế, thi công xây dựng đã được phát hành, trong tháng 8 sẽ có nhà thầu. Trong thời gian nhà thầu lập thiết kế, huy động trạm, máy móc, thiết bị…  tới công trường, sẽ triển khai giải phóng mặt bằng đồng loạt. Đang đáp ứng được tiến độ”.

Nguồn: Vov.vn