Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã đưa được hơn 78 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt 62,4% kế hoạch năm). Trong đó, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc tiếp tục là 3 thị trường chủ lực, tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) có biết: Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tính đến ngày 19/6 là hơn 78 nghìn người (đạt 62,4% kế hoạch năm). Trong đó có hơn 23 nghìn 700 lao động nữ. Dẫn đầu về thị trường tiếp nhận lao động của Việt Nam vẫn là Nhật Bản, với hơn 40 nghìn 500 người. Tiếp đến là thị trường Đài Loan (Trung Quốc), với hơn 27 nghìn lao động. Thứ ba là thị trường Hàn Quốc, với hơn 5.500 lao động.
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Ngoài 3 thị trường mấy năm gần đây chiếm tỷ trọng cao (trên 90%) là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) chúng ta đang tiếp tục mở rộng các thị trường khác, đặc biệt là các nước châu Âu như: Đức, Rumani, Hungari…Tinh thần là các nước già hóa dân số thì họ có hướng tiếp nhận lao động nước ngoài”.
Không chỉ duy trì và ổn định các thị trường lao động truyền thống, từ đầu năm đến nay, việc mở rộng thị trường, xúc tiến các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được Bộ LĐTBXH triển khai.
Cụ thể, tháng 3 vừa qua, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Australia tại Việt Nam đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia. Theo đó, hai bên thống nhất triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia, dự kiến bắt đầu trong năm 2024. Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, việc tuyển dụng lao động được thực hiện thông qua một đơn vị sự nghiệp công lập và tối đa 6 doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.
Trong tháng 6, tại Hà Nội, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cũng đã ký thỏa thuận với Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản) về việc cung ứng thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản. Người lao động tham gia chương trình sẽ được Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka đài thọ các chi phí.
Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết: “Người lao động tham gia chương trình được Hội hội Chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản) đài thọ toàn bộ các chi phí như là học tiếng Nhật tại Việt Nam từ 8 đến 11 tháng để đạt trình độ N4; lệ phí thi chứng chỉ tiếng Nhật; lệ phí xin thị thực; chi phí khám sức khỏe; vé máy bay xuất cảnh và về nước khi hoàn thành hợp đồng. Như vậy, người lao động tham gia chương trình hầu như là không mất các chi phí liên quan đến công tác phái cử đi làm việc, kể cả công tác đào tạo”.
Nguồn: Vov.vn