Nếu ông Trump giành chiến thắng vào tháng 11 tới, các cố vấn của ông có thể sẽ cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine cần kết thúc để ngăn Mỹ bị kéo vào nếu Nga muốn đáp trả việc các thành viên NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Kịch bản nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng
Kể từ khi thoát khỏi vụ ám sát, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảm bảo được vị trí ứng viên đề cử của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong khi đó, cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris – người nhận được sự ủng hộ lớn nhất để trở thành ứng viên đảng Dân chủ, đang cạnh tranh sít sao với ông Trump.
Tuy nhiên, đối với Thủ tướng Anh Keir Starmer, hầu như không có nhiều sự lựa chọn ngoại trừ việc sát cánh cùng Tổng thống Mỹ, dù bất kỳ ứng viên nào giành chiến thắng.
Điều trớ trêu ở đây là lập trường ủng hộ mạnh mẽ của ông Starmer cho Ukraine, Ngồi cạnh Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu tuần trước do Anh chủ trì, Thủ tướng Starmer đã cam kết sẽ ủng hộ Kiev “lâu nhất có thể”. Tuy nhiên, các đồng minh của ông Trump như Elbridge Colby, được cho là có thể trở thành cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump nếu ông đắc cử, lại coi Trung Quốc là mối đe dọa chính với an ninh của Mỹ, chứ không phải Nga.
Trước đó, ông Trump tuyên bố rằng ông có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine trong 24 giờ mặc dù ông không nêu rõ các biện pháp đó là gì. Sau cuộc điện đàm gần đây với ông Zelensky, ông Trump tuyên bố, “cả hai bên có thể ngồi lại với nhau, đàm phán một thỏa thuận chấm dứt bạo lực và mở đường hướng tới thịnh vượng”.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, mối lo ngại lớn ở đây là ý tưởng của ông Trump về một giải pháp hòa bình có thể chỉ đơn giản là việc Nga kiểm soát các khu vực hiện nay ở Ukraine. Gần đây, ông đã tuyên bố người đồng hành tranh cử của mình là Thượng nghị sĩ bang Ohio JD Vance – người đã nói rằng ông không thực sự quan tâm đến những gì xảy ra với Ukraine. Tương tự Richard Grenell, người có thể là ngoại trưởng nếu ông Trump đắc cử tổng thống, đã khuyến khích một thỏa thuận hòa bình bảo toàn lãnh thổ cho Ukraine nhưng cho phép tồn tại các “khu vực tự trị”. Cụm từ này có thể được hiểu là Kiev phải chấp nhận tổn thất và bước tiếp.
Với tất cả những điều này, nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng, các thành viên NATO khác có thể đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Hoặc chấp nhận một thỏa thuận có lợi cho Nga, hoặc ủng hộ ông Zelensky bác bỏ một thỏa thuận như vậy và tiếp tục chống lại cuộc tấn công của Moscow. Trong kịch bản thứ hai, ông Trump thậm chí có thể ngăn cản những người không có cùng ý kiến bằng cách rút lại các đảm bảo quốc phòng của Mỹ đối với các đồng minh mà ông coi là làm “leo thang” xung đột bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Một cuộc khủng hoảng theo hướng này sẽ chia rẽ và làm suy yếu NATO – đến mức một số đồng minh có thể rút lui khỏi cuộc đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin và dừng hỗ trợ Ukraine.
Câu hỏi đặt ra là liệu Anh sẽ là một trong những quốc gia này hay sẽ tham gia cùng các nước châu Âu trong NATO ủng hộ Ukraine?
Với ông Starmer, việc chống lại ông Trump có thể kéo căng “mối quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ tới điểm giới hạn. Chẳng hạn, vì một phần của mối quan hệ đặc biệt này là việc Mỹ quản lý nhóm tên lửa D5 Trident chung của Mỹ và Anh nên ông Trump có thể dễ dàng gây áp lực lên ông Starmer nếu ông muốn.
Số phận các gói hỗ trợ cho Ukraine
Có lẽ điều này có thể tránh được nếu các thành viên châu Âu trong NATO bắt đầu trao đổi với các cố vấn tiềm năng của ông Trump như Colby và Grenell về một thỏa thuận khả thi cho phép họ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Thực tế là ngay cả khi đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới thì mối đe dọa từ Trung Quốc có thể bóp nghẹt nguồn tài trợ của Mỹ cho Ukraine. Trong trường hợp đó, ông Zelensky sẽ phải dựa vào các đồng minh châu Âu, cùng với các khoản vay G7 được hỗ trợ bởi số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Tuy nhiên, nếu ông Trump giành chiến thắng vào tháng 11 tới, các cố vấn của ông có thể sẽ cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine cần kết thúc để ngăn Mỹ bị kéo vào nếu Nga muốn đáp trả việc các thành viên NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine. Khi Tổng thống Zelensky tiếp tục kêu gọi phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa do họ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, rủi ro này không phải là hoàn toàn không thể xảy ra.
Trong khi đó, về phần mình, ông Colby thừa nhận Mỹ có lợi ích chiến lược ở Ukraine cần được bảo vệ nhưng điều đó không có nghĩa là một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Điều này đồng nghĩa rằng một phần cái giá của việc ông Trump chấp nhận các thành viên EU tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine có lẽ là cam kết không sử dụng các vũ khí này tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Mặc dù vậy, hiện nay có một vài ngoại lệ đối với các mục tiêu ở Nga gần biên giới với Ukraine – điều này không kéo Mỹ vào xung đột trực tiếp với Nga dưới thời Tổng thống Joe Biden nên cũng không xảy ra dưới thời ông Trump.
Tuy nhiên, thực tế là trước những mối đe dọa từ một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga, châu Âu chỉ cảm thấy an toàn khi cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu ông Trump duy trì cam kết của Mỹ với NATO. Điều này đã đưa đến một vấn đề khác: Đó là ông Trump cho rằng các nước châu Âu nên hành động nhiều hơn để tự vệ, thể hiện qua chính câu nói của ông rằng, ông sẽ khuyến khích Nga “làm bất kỳ điều gì họ muốn” với các thành viên NATO không đóng góp công bằng cho liên minh.
Vì vậy, với việc ông Trump đắc cử, những cam kết đáng tin cậy về việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ phải là một phần của bất kỳ thỏa thuận nào để tiếp tục ủng hộ Ukraine. Trong khi các cố vấn tương lai của ông Trump đồng ý với những lập luận như vậy thì về nguyên tắc, vẫn còn nghi vấn liệu các thành viên NATO có thể thực sự thực hiện được những gì các cố vấn của ông mong đợi hay không.
Ông Colby đã nói rõ rằng ông nghĩ các đồng minh châu Âu nên chi 3 – 4% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, có rất ít triển vọng để các nhà cung cấp trang thiết bị quân sự quan trọng nhất cho Ukraine như Bỉ, Pháp, Đức và Anh sẽ dành 3% GDP cho quốc phòng trong tương lai gần.
Mặc dù vậy, chi tiêu quốc phòng của các thành viên châu Âu trong NATO đã tăng lên, ở mức 2,5% đối với Anh và một Ba Lan ngày càng mạnh về mặt quân sự đang hướng tới mục tiêu 5% vào năm 2025.
Vì vậy, có khả năng các đồng minh sẽ đưa ra một công thức thuyết phục các cố vấn của ông Trump rằng Washington không nên ép buộc Ukraine tiến hành một thỏa thuận hòa bình bất lợi, và thay vào đó là để lại sự ủng hộ về mặt quân sự cho các nước châu Âu với một số điều kiện ràng buộc.
Nguồn: Vov.vn