Bất an – đó cũng là tâm trạng của những người dân đang sống dọc tuyến đường nhánh Tân Phước Khánh 41, khu phố Bình Hòa 1, phường Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Nhìn con đường nhếch nhác, bùn lầy sau cơn mưa tháng 7 khiến người dân không khỏi cảm thán.
LTS: Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, nhiều địa phương trong tỉnh Bình Dương đã áp dụng mô hình “xã hội hóa” các công trình giao thông. Sau hơn 1 năm triển khai, nhiều tuyến đường, con hẻm ở Bình Dương vốn cũ kỹ nay đã được “khoác” lên mình diện mạo mới khang trang, hiện đại, từ đó giúp bộ mặt đô thị của Bình Dương thay đổi. Để phong trào “xã hội hóa” công trình giao thông lan tỏa rộng khắp như hiện nay, chính quyền cơ sở của Bình Dương đã có nhiều cách làm hay.
“Nắng bụi, mưa lầy”
Mỗi khi trời đổ mưa, tuyến đường Bình Chuẩn 63, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương như biến thành trận địa. Những cái bẫy “ổ voi, ổ gà” sẵn sàng hất ngã bất kỳ phương tiện lưu thông nào, nếu người cầm lái lơ là. Đáng ngại hơn, trên tuyến đường có trường Tiểu học Lê Thị Trung, nguy cơ tai nạn xảy ra rất cao trong đầu giờ sáng hay giờ tan tầm. Dù rằng, người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần ý kiến về tuyến đường này, nhưng đến nay phương án cải tạo, nâng cấp tuyến đường vẫn án binh bất động.
Bất an – đó cũng là tâm trạng của những người dân đang sống dọc tuyến đường nhánh Tân Phước Khánh 41, khu phố Bình Hòa 1, phường Tân Phước Khánh, TP.Tân Uyên. Nhìn con đường nhếch nhác, bùn lầy sau cơn mưa tháng 7, bà Phan Thị Mai Hoa chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: “Chỉ một cơn mưa nhỏ mà nước đã ngập vào nhà dân, do đó người dân phải tự đắp cao nền nhà để tránh ngập. Mặt khác, hai bên đường rác thải bẩn thỉu bốc mùi hôi nồng nặc”.
Những tuyến đường như Tân Phước Khánh 41, đường Bình Chuẩn 63, không quá xa lạ ở Bình Dương. Theo thống kê, TP.Tân Uyên có hơn 325 tuyến đường, huyện Bàu Bàng hơn 200 tuyến… Tại TP.Bến Cát có 470 tuyến đường đất.
Đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa nhanh, và nó đang làm cho bộ mặt đô thị của thành phố trẻ Bình Dương trở nên xấu xí.
“Mỗi khi mưa xuống, nếu đi bộ thì nước sẽ ngập đến đầu gối, còn nếu đi xe máy thì có khi nước ngập tắt máy. Bao nhiêu người đi ngang qua đều phải tắt máy xe và dắt bộ”.
“Giữa TP.Dĩ An để con hẻm không giống ai cả. Thế nhưng không phải đổ lỗi cho chính quyền mà chỉ mong chính quyền hợp tác, vào họp dân để người dân cùng đóng góp lại làm đường”.
“Trước đây con đường này đất đỏ, mùa mưa trơn trượt nên đi lại khó khăn và bà con đã hùn tiền đổ đá để đi lại. Thế nhưng, sau đó xe ben chạy qua đây rất nhiều nên hư hỏng, mùa khô rất bụi khiến người dân không chịu được”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Bình Dương là tỉnh công nghiệp có mật độ đô thị hóa hơn 85%. Và những tuyến đường, con hẻm “nắng bụi, mưa lầy” đang dần biến các khu dân cư thành “những khu ổ chuột” trong lòng đô thị.
Khi mọi nguồn lực Bình Dương đang tập trung cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia như: Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành… thì việc xã hội hóa nguồn lực sẽ là phương thức tối ưu để cải thiện bộ mặt đô thị.
“Toàn tỉnh phải chỉnh trang đô thị, tiến hành vận động nhân dân, doanh nghiệp thực hiện công tác xã hội hóa, làm các tuyến đường mà ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo được. Chúng ta phải cùng nhau góp sức để làm sao cho đô thị xanh, sạch, đẹp, tạo ra cuộc sống phục vụ nhân dân phải hạnh phúc”, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết.
Chủ trương xã hội hóa các công trình giao thông được phát động từ năm 2023, với sự đồng lòng của người dân, sự đồng hành của doanh nghiệp, đến nay Bình Dương đã đầu tư, nâng cấp 1.870 tuyến đường, ngõ xóm với tổng chiều dài 980,96km; đường trục chính nội đồng 246 tuyến với tổng chiều dài 238,39km. Đường giao thông nông thôn cũng được đầu hơn 60% với số tiền gần 1.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa chiếm 70%.
“Đường này làm nay cũng được hơn 1 tháng rồi. Nói chung người dân ở đây phấn khởi, đường sá sạch đẹp. Cao ráo đi dễ dàng, chạy êm không sốc nhưng ngày xưa. Ngày trước, đá sỏi đi không khéo là té ngã”.
“Nhà nước quan tâm cho dân vậy là rất mừng. Giờ cố gắng giữ đường sá sạch sẽ không bỏ rác lung tung”.
Con hẻm dài hơn 1km ở khu phố Phú Hòa, phường Hòa Lợi, TP.Bến Cát, tỉnh Bình Dương sạch sẽ, rộng thoáng, khang trang. Ít ai biết, cách đây khoảng 2 tháng, đó là con hẻm đất, đá gồ ghề, nhếch nhác khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban điều hành khu phố Phú Hòa, phường Hòa Lợi cho biết, con hẻm là nỗi bức xúc của người dân tại các cuộc họp khu phố và các tiếp xúc cử tri. Người dân đã rất nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương việc cải tạo đường nhưng cái nhận lại chỉ là những lời… hứa hẹn.
Sau khi TP.Bến Cát phát động chương trình xã hội hóa công trình giao thông, phường Hòa Lợi đã kiểm đếm, đo đạc, thống kê dự toán đầu tư và tổ chức họp dân lấy ý kiến. Khi biết được số tiền đóng góp khoảng 400 triệu đồng, bà con đã đồng lòng cùng thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Phong chia sẻ: “Hiện tại chỗ khu phố đầu tư được 4 tuyến. Khi làm xong thì người dân rất phấn khởi vì đi lại dễ dàng. Mặt khác, qua đó khu phố cũng tuyên truyền người dân bên đường giữ gìn vệ sinh sạch sẽ hơn. Trước đây đường chưa đầu tư thì người dân không quan tâm lắm đến việc vệ sinh tuyến đường nay đường làm nên họ đã ý thức giữ gìn vệ sinh, dọn dẹp tuyến đường. Hằng năm, khu phố vận động bà con treo cờ thì cũng làm đẹp thêm”.
Huy động sức dân, để phục vụ nhân dân
Là địa phương tiên phong triển khai mô hình xã hội hóa các công trình giao thông, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công hạn chế thì sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp sẽ giúp bộ mặt đô thị của địa phương được cải thiện.
“Chúng tôi đang đầu tư xã hội hóa đường hẻm. Các đường hẻm phải có luôn hệ thống thoát nước. Hệ thống này phải đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của khu vực. Từ đó giảm tải được tình trạng ngập úng trên địa bàn TP. Nếu tình hình này, tôi cho rằng trong thời gian tới cộng với trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng lòng của người dân thì hệ thống hạ tầng trên địa bàn TP sẽ phát triển tương đối toàn diện”, ông Đoàn Hồng Tươi nói.
Đánh giá về mô hình xã hội hóa các công trình giao thông, ông Bùi Thanh Nhân, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, qua khảo sát cho thấy, tại các tuyến đường này, người dân không chỉ chung tay giữ gìn vệ sinh mà còn tích cực trồng cây, trồng hoa, tạo nên những mảng xanh tươi mát. Thêm vào đó, việc lắp đặt camera, đèn chiếu sáng đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự.
Ông Bùi Thanh Nhân đề nghị: “Chúng ta cần tránh tình trạng trước đây, các tuyến đường chỉ được cải tạo một cách đơn giản bằng thảm nhựa hoặc bê tông. Do đó, khi nâng cấp lên đô thị thì các tuyến đường không còn đạt chuẩn. Chính quyền địa phương cần có vai trò chủ động trong việc lập quy hoạch chi tiết, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất cho hệ thống giao thông. Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn ngân sách hợp lý và vận động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các công trình”.
Đến nay, phong trào xã hội hóa công trình giao thông ở Bình Dương không dừng lại ở một tổ dân phố, một địa phương đơn lẻ mà đang tạo nên sức lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Trong việc xây dựng thực hiện phong trào, nhiều địa phương, chính quyền cơ sở cũng có nhiều cách làm hay, sáng kiến độc đáo để huy động sức dân, sự đóng góp của doanh nghiệp.
Nguồn: Vov.vn