“Phó Tổng thống Harris là người ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ hỗ trợ Ukraine lâu dài và nhiều lần thể hiện cam kết vững chắc trong việc hỗ trợ người dân Ukraine tự vệ”, một quan chức Nhà Trắng cho hay. Tuy nhiên, bà Harris và ông Zelensky không phải lúc nào cũng có tiếng nói chung.
Phó Tổng thống Kamala Harris và những cuộc trao đổi với ông Zelensky
Vào giữa tháng 2/2022, Phó Tổng thống Kamala Harris đã bay tới châu Âu để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng. Gần 200.000 quân Nga tập trung ở biên giới Ukraine và chiến dịch quân sự của họ đánh dấu một trong những thách thức lớn nhất trong hàng thập kỷ đối với trật tự quốc tế do Mỹ chi phối. Chính quyền Tổng thống Biden đã cử bà Harris tới giúp châu Âu giải quyết vấn đề đó.
Giống như mọi khía cạnh trong hồ sơ của bà Harris, những đột phá của bà trong các vấn đề quốc tế cần được xem xét lại cẩn thận kể từ khi bà trở thành ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Không có mối đe dọa nào với các lợi ích của Mỹ trên thế giới cấp bách hơn nhiệm kỳ của bà dưới thời chính quyền Tổng thống Biden so với cuộc xung đột ở Ukraine và bà Harris đôi khi đóng vai trò rõ ràng trong phản ứng của Mỹ.
Chuyến đi đến Đức vào năm 2022, chưa đầy 1 tuần trước khi xung đột nổ ra, đã đưa bà Harris tới một cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Munich. Một trong các nhiệm vụ của bà là gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và truyền đạt cho ông biết Mỹ dự định phản ứng và không phản ứng như thế nào trước chiến dịch của Nga. Bà cũng sẽ đưa ra những đánh giá tình báo mới nhất của Mỹ và giải thích “những sự chuẩn bị cần thiết để đạt được thành công trên chiến trường”, một quan chức Nhà Trắng cho hay.
Thông điệp mà bà đưa ra không hoàn toàn được hoan nghênh và ấn tượng mà bà tạo ra với Ukraine cũng khá phức tạp.
“Bà Kamala Harris nói rằng cuộc tấn công là không thể tránh khỏi”, ông Oleksiy Reznikov, người đã tham dự cuộc họp với vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine vào thời điểm đó, nhớ lại.
“Điều mà Tổng thống Zelensky nói vào thời điểm đó là: Tôi hiểu rồi. Tình báo của chúng tôi cũng nhận thấy điều này”. Tuy nhiên, ông và bà Harris không thể thống nhất về phản ứng thích hợp.
Ông Zelensky kêu gọi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt phủ đầu đối với Nga, cho rằng điều đó sẽ buộc Tổng thống Vladimir Putin nghĩ lại về quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Nếu cuộc tấn công thực sự không thể tránh khỏi, ông Zelensky cho rằng Mỹ nên cung cấp vũ khí cho Ukriane, trong đó có các hệ thống phòng không, chiến đấu cơ và pháo hạng năng để ngăn chặn lực lượng Nga tràn vào nước này.
Theo các quan chức Ukraine, bà Harris đã bác bỏ cả hai đề xuất. Họ được biết rằng Mỹ không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt phủ đầu lên Nga vì hình phạt chỉ có thể được đưa ra sau khi phạm tội. Thay vì cam kết cung cấp các vũ khí tiên tiến, ông Reznikov cho biết Mỹ gây sức ép lên ông Zelensky phải công khai nói rằng chiến dịch quân sự trên sắp xảy ra.
“Ông Zelensky đã hỏi rõ bà Harris rằng: Bà muốn tôi thừa nhận điều này nhưng điều đó sẽ mang lại điều gì? Nếu tôi thừa nhận nó trong cuộc trao đổi này, liệu bà có áp trừng phạt hay không”, song ông không nhận được câu trả lời.
Vai trò của bà Harris trong cuộc xung đột ở Ukraine
Quan điểm của Mỹ vào thời điểm đó, do Tổng thống Biden đưa ra với sự tham khảo ý kiến của các trợ lý an ninh quốc gia, là mối đe dọa trừng phạt có sức răn đe lớn hơn với Nga so với việc áp đặt chúng và việc cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ củng cố nhận định của Tổng thống Putin rằng Ukraine đang trở thành một khách hàng của NATO.
“Phó Tổng thống Harris là người ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ ủng hộ Ukraine lâu dài và nhiều lần thể hiện cam kết vững chắc trong việc hỗ trợ người dân Ukraine tự vệ” trước chiến dịch quân sự của Nga, một quan chức Nhà Trắng cho hay.
Vai trò chính khác của bà Harris tại hội nghị là tập hợp các nhà lãnh đạo châu Âu để có phản ứng thống nhất nếu cuộc xung đột nổ ra và nêu quan điểm của Mỹ trong bài phát biểu.
“Bà ấy đã gặp các nhà lãnh đạo châu Âu để phối hợp ứng phó” trước chiến dịch quân sự của Nga, quan chức Nhà Trắng trên nói với Time và trong bài phát biểu tại hội nghị “bà ấy đã báo trước về kịch bản của Nga cũng như vạch ra những bước đi mà Mỹ và châu Âu sẽ cùng nhau thực hiện”.
Dù vậy, thông điệp mà bà truyền tải tới ông Zelensky tại Munich đã làm tăng thêm sự thất vọng của ông với các đồng minh trước chiến dịch quân sự của Nga, đồng thời đặt ra dấu ấn cho mối quan hệ với bà Harris chưa bao giờ đặc biệt nồng ấm. Trong khi Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao khác thăm Kiev để thể hiện quyết tâm và tình đoàn kết với Ukraine thì bà Harris chưa đến nước này kể từ khi xung đột nổ ra.
Trong cuộc gặp của bà với các quan chức Ukraine những năm gần đây, bà đã cho thấy sự thông cảm với hoàn cảnh của họ nhưng theo một trong các quan chức này, “tôi gọi đó là sự thông cảm tuân theo nghi thức”.
Khi được hỏi về điều này, quan chức Nhà Trắng cho biết, Phó Tổng thống Harris đã đi nhiều nơi trong nỗ lực tập hợp các đồng minh châu Âu và hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ngay sau khi xung đột nổ ra, bà đã đến thăm Ba Lan và Romania để gặp các nhà lãnh đạo châu Âu và các quân nhân Mỹ tại sườn Đông NATO “nhằm củng cố thế trận phòng thủ và răn đe của chúng tôi”.
Về mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Zelensky, Tổng thống Biden có xu hướng dẫn đầu, một phần là bởi những quan tâm trực tiếp trước đó của ông với nước này. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, ông Biden đã chịu trách nhiệm về phản ứng của Mỹ thay mặt chính quyền Tổng thống Obama. Ông đã tới Kiev năm 2015 để có bài phát biểu mang tính bước ngoặt trước Quốc hội Ukraine.
Kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022, các quan chức chủ chốt đã tham gia vào phản ứng của Mỹ là Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, Giám đốc CIA William Burns, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin – tất cả đều đã tới Kiev trong thời gian xung đột diễn ra.
Trong đó, Phó Tổng thống Kamala Harris có xu hướng đóng vai trò hỗ trợ, tham dự các hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp quan trọng khác liên quan đến xung đột khi ông Biden không thể tham dự. Tại Hội nghị An ninh Munich năm 2023, bà Harris tập trung vào tội ác chiến tranh của quân đội Nga.
Quan chức Nhà Trắng cho biết: “Là một cựu công tố viên, Phó Tổng thống là một sứ giả quan trọng và đã tập hợp thế giới để buộc Nga chịu trách nhiệm” về cuộc xung đột ở Ukraine.
Đầu mùa hè này, bà Harris cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine được tổ chức ở Thụy Sĩ. Ông Zelensky hy vọng rằng cuộc họp đó sẽ tập hợp được càng nhiều nhà lãnh đạo càng tốt để ủng hộ kế hoạch chấm dứt xung đột của ông. Tuy nhiên, ông Biden đã không tham dự và cử bà Harris đi thay. Tổng thống Zelensky phản ứng lại bằng cách chỉ trích công khai Tổng thống Mỹ rằng: “Ông Putin sẽ hoan nghênh quyết định không đến tham dự của ông Biden”.
Khi bà Harris đến chỗ ông Zelensky, cuộc gặp của bà với ông đã được đánh dấu bằng một số hình thức tương tự những cuộc gặp trước đó của họ. Hai nhà lãnh đạo ngồi đối diện nhau tại bàn đàm phán khi các phóng viên được dẫn vào phòng họp bên trong một khu nghỉ dưỡng ở dãy Alpine. Ông Zelensky tuyên bố một cách cứng rắn những phát ngôn đã chuẩn bị sẵn, cảm ơn ông Biden và Quốc hội Mỹ vì sự ủng hộ với Ukraine.
“Tổng thống Putin đang cố gắng mở rộng cuộc xung đột và làm cho nó trở nên đẫm máu hơn. Nhưng cùng với Mỹ và tất cả các đối tác, chúng tôi sẽ bảo vệ cuộc sống của người dân Ukraine”, ông Zelensky nói.
Về phần mình, bà Harris cho biết đây là cuộc gặp thứ sáu của bà với Tổng thống Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.
“Không phải là lần cuối cùng”, ông Zelensky đáp lại.
“Và hy vọng là vào thời điểm tốt hơn”, bà Harris nói.
Nguồn: Vov.vn