Quá trình đàm phán bí mật dẫn tới cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và phương Tây

Cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh đã diễn ra tại sân bay Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ vào rạng sáng 1/8 theo giờ địa phương. Thỏa thuận được thực hiện sau nhiều tháng đàm phán bí mật và nỗ lực ngoại giao phức tạp giữa các bên.

Thỏa thuận trao đổi tù nhân liên quan đến 24 người, bao gồm 16 người chuyển từ Nga sang phương Tây và 8 người bị giam giữ ở phương Tây được đưa trở lại Nga.

Theo thỏa thuận, Nga đã đồng ý thả nhà báo Mỹ Evan Gershkovich và cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan.

qua trinh dam phan bi mat dan toi cuoc trao doi tu nhan giua nga va phuong tay hinh anh 1
Cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh đã diễn ra tại sân bay Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ vào rạng sáng 1/8. Ảnh: Reuters

Evan Gershkovich, nhà báo của tờ Wall Street Journal (WSJ), bị cáo buộc thu thập thông tin quân sự nhạy cảm cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ. Ông Gershkovich phủ nhận mọi cáo buộc.

Paul Whelan là cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, đang thụ án 16 năm tù tại một nhà tù hình sự của Nga vì tội gián điệp mà ông đã phủ nhận.

Thỏa thuận trao đổi tù nhân liên quan tới nhiều nước và được coi là một trong những cuộc trao đổi lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Nhà Trắng cho biết Mỹ đã đàm phán với Nga, Đức, Ba Lan, Slovenia, Na Uy và Belarus. Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra điều phối cuộc trao đổi.

Thỏa thuận trao đổi tù nhân này từng suýt đổ bể.

“Gián điệp đổi gián điệp”

Các cuộc đàm phán dẫn đến cuộc trao đổi tù nhân ngày 1/8 bắt đầu cách đây hơn 2 năm, trước khi Gershkovich bị bắt giữ.

Theo các quan chức Mỹ, trong vòng vài tháng sau khi cầu thủ bóng rổ người Mỹ Brittney Griner bị giam giữ tại Nga vào tháng 2/2022, Moscow đã sẵn sàng đàm phán.

Phía Nga đã nhiều lần tiếp cận Mỹ với một lời đề nghị: Griner và cựu lính thủy đánh bộ Paul Whelan có thể được trao trả để đổi lấy Vadim Krasikov, một đại tá trong cơ quan an ninh FSB của Nga.

Theo một quan chức Mỹ, thỏa thuận ban đầu được xây dựng theo hình thức “điệp viên đổi điệp viên”, ám chỉ đến các cáo buộc của Moscow đối với Whelan.

Tuy nhiên, có một vấn đề: Krasikov đang thụ án chung thân ở Đức sau khi giết một người bất đồng chính kiến tại một công viên ở Berlin. Giới chức Mỹ lúc đó cho rằng lời đề nghị này không nghiêm túc.  

Vào tháng 12/2022, sau nhiều tháng đàm phán, Mỹ thả doanh nhân người Nga Viktor Bout để đổi lấy Brittney Griner. Trường hợp của Whelan bị để lại.

Alexei Navalny từng có tên trong danh sách

Đầu năm 2023, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp người đồng cấp Đức, Jens Ploetner, cố gắng tìm cách thực hiện một thỏa thuận cho Whelan.

Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đã trao đổi về vấn đề này với người đồng cấp giao Đức Annalena Baerbock bên lề một cuộc họp tại Nhật Bản vào ngày 17/4/2023. Hai bên đề xuất một sự trao đổi mới: phía Đức thả Krasikov để đổi lại chính trị gia đối lập người Nga Alexei Navalny.

Navalny được đưa tới Berlin cấp cứu sau khi ông bị đầu độc ở Siberia. Sau quá trình phục hồi tại Rừng Đen, ông này tự nguyện trở về Nga vào năm 2021.

Các quan chức Mỹ cho rằng việc bổ sung Navalny vào danh sách trao đổi có thể khiến Đức đồng ý tham gia thỏa thuận.

Gershkovich bị bắt giữ

Vào tháng 3/2023, các quan chức chính quyền Biden nhận được một thông báo từ Wall Street Journal: phóng viên của tờ báo này là Evan Gershkovich, một công dân Mỹ, đã bị Nga bắt giữ.

Vấn đề được thông báo lên Tổng thống Biden ngay ngày hôm sau.

qua trinh dam phan bi mat dan toi cuoc trao doi tu nhan giua nga va phuong tay hinh anh 2
Nhà báo của Wall Street Journal, Evan Gershkovich, được trao trả trong cuộc trao đổi tù nhân với Nga. Ảnh: Reuters

Các quan chức chính quyền Biden đã chọn cách thúc đẩy các kênh ngoại giao trước tiên thay vì tình báo vì không muốn dư luận tin vào lời cáo buộc rằng Whelan hoặc Gershkovich là gián điệp.

Ngoại trưởng Blinken đã gọi điện cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào ngày 2/4 và nói rằng Moscow đang giam giữ một nhà báo hợp pháp.

“Đó là một nhà báo làm việc cho một hãng tin quốc tế uy tín. Những tuyên bố rằng người này làm gián điệp là vô lý và sai sự thật. Các ông đã vượt quá giới hạn”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

Ngoại trưởng Lavrov trả lời rằng, Gershkovich đã bị “bắt quả tang” khi đang thu thập thông tin tình báo và “việc là một nhà báo không mang lại cho Gershkovich quyền miễn trừ”.

“Các ông biết rõ đất nước chúng tôi, biết rõ hệ thống của chúng tôi. Các ông biết rõ rằng với mọi nỗ lực tìm hiểu thông tin, chúng tôi không sử dụng các nhà báo”, ông Blinken đáp lại.

Vào tháng 10/2023, Alsu Kurmasheva, một nhà báo người Mỹ gốc Nga làm việc cho Đài RFE/RL, đã bị bắt ở vùng Tatarstan. Đài này nói rằng việc giam giữ bà Kurmasheva là bất công và có động cơ chính trị.

Theo một quan chức Mỹ, Washington đã đưa ra một lời đề nghị khác cho Moscow mà không bao gồm Krasikov, nhưng lời đề nghị này đã bị từ chối.

Đàm phán giữa Mỹ và Đức

Giữa tháng 1/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, mời ông tới Nhà Trắng và trao đổi về vấn đề tù nhân.

Thủ tướng Scholz nói với Tổng thống Biden: “Vì ông, tôi sẽ làm điều này”.

Mỹ và Đức đã bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận trước khi cuộc hội đàm trực tiếp giữa 2 nhà lãnh đạo diễn ra vào ngày 9/2. Họ đã đạt được sự đồng thuận ban đầu về một thỏa thuận trao đổi tù nhân trong đó bao gồm cả Krasikov.

Thỏa thuận được hoàn tất sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau và sau đó được gửi đến Nga. Moscow đã đồng ý.

Chính phủ Đức ngày 1/8 cho biết họ đã phải cân nhắc bản án tù dành cho Krasikov để trao đổi về “quyền tự do, sức khỏe thể chất và – trong một số trường hợp là mạng sống của những người vô tội bị giam giữ ở Nga và những người bị giam giữ bất công và có động cơ chính trị”.

Cái chết của chính trị gia đối lập người Nga

Lời đề nghị trên chưa bao giờ được gửi đi vì vào ngày 16/2, Navalny chết trong nhà giam của Nga ở Bắc Cực. Các quan chức Mỹ lo ngại sẽ mất phần thỏa thuận hấp dẫn đối với Đức.

Cái chết của ông Navlany xảy ra trùng vào thời điểm tổ chức Hội nghị An ninh Munich, một cuộc họp thường niên của Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Bên lề hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã gặp Thủ tướng Slovenia Robert Golob để đảm bảo rằng họ sẽ tôn trọng phần của mình trong thỏa thuận trao đổi tù nhân.

“Vào thời điểm đó, nhiều người thắc mắc tại sao bà Harris lại gặp ông Golob. Chúng tôi đã xác định được rằng, Slovenia đang giam giữ 2 người Nga mà phía Moscow muốn được trao trả. Nhiệm vụ của bà Harris là thuyết phục Slovenia thả họ”, một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Bà Harris cũng đã gặp Thủ tướng Đức Scholz bên lề hội nghị.

Cách tiếp cận mới

Đầu năm 2024, Nhóm an ninh quốc gia Nhà Trắng bắt đầu họp hàng ngày về vấn đề trao đổi tù nhân.

Chính quyền Tổng thống Biden đã lập danh sách mới các tù nhân chính trị Nga để thảo luận với Đức, nhưng không có tiến triển gì. Ông Biden đã gửi một lá thư cho Thủ tướng Scholz vào cuối tháng 4, phác thảo một thỏa thuận tiềm năng khác.

Vào tháng 6, ông Scholz dường như đã sẵn sàng chấp thuận phần việc của Đức trong thỏa thuận, theo đó Krasikov sẽ được thả, khởi động một cuộc trao đổi tù nhân nhiều bước.

Washington đã nhanh chóng gửi đề nghị mới cho Moscow, sau đó chờ đợi. Những dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện: Phiên tòa xét xử Gershkovich và Kurmasheva ở Nga đã bắt đầu và sau đó được đẩy nhanh.

Thỏa thuận trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh

Hai tuần trước, chính quyền Tổng thống Biden nhận được thông báo chính thức rằng Nga sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận.

“Đầu tháng 7, phía Nga đã đồng ý trên nguyên tắc việc trao đổi tù nhân và sau đó vào cuối tháng 7, họ chính thức chấp thuận”, một quan chức Mỹ cho biết. Một lực lượng đặc nhiệm liên ngành đã bắt đầu làm việc để hoàn thiện các thỏa thuận phức tạp cho việc trao đổi.

Ông Biden gọi điện cho Thủ tướng Slovenia từ nhà riêng ở Rehoboth Beach, Delaware, để gây sức ép về phần cuối cùng của thỏa thuận, chỉ vài giờ trước khi ông tuyên bố dừng tranh cử vào ngày 22/7.

Đầu tuần này, ông Sullivan đã gọi điện cho gia đình của những người Mỹ bị giam giữ và thông báo: Đã đến lúc tới Nhà Trắng và gặp Tổng thống.

Nguồn: Vov.vn