Tiền phạt vi phạm nồng độ cồn mức thấp nhất có thể sẽ giảm mạnh, từ tối đa 8 triệu đồng xuống 1 triệu đồng với người điều khiển ô tô; và từ tối đa 3 triệu đồng xuống 600.000 đồng với người điều khiển xe máy.
Giảm mức xử phạt nồng độ cồn là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà Bộ Công an đang xây dựng, lấy ý kiến. Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.
PV: Ông nhận định thế nào về đề xuất giảm mạnh số tiền xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở?
Ông Khương Kim Tạo: Có thể nói rằng, hiện nay chúng ta một mức phạt chung với mức độ từ dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở đến mức 0. Ví dụ với người điều khiển ô tô từ 6-8 triệu; thì điều này có yếu tố chưa hợp lý. Có người chỉ cần ăn kẹo có cồn nồng độ cồn về lý thuyết cũng bị phạt 6-8 triệu, cũng như người uống 1 cốc bia, 1 chén rượu, hoặc người có thể uống hơn nhưng nồng độ cồn vẫn lân cận 0,25. Trong khi về bản chất, người uống rượu bia là người cố tình, còn người ăn kẹo thì là vô tình.
Theo tôi, khi nồng độ cồn dưới 0,25 cần chia ra các mức: Từ 0,125 đến 0,25 là một mức; và mức dưới 0,125. Với mức dưới 0,125 có liên quan cồn nội sinh, người rơi rớt lại uống từ ngày hôm trước, hoặc có thể ăn phải thực phẩm có tẩm ướp rượu. Với những người này, chúng ta nên phạt ở mức cảnh cáo. Số tiền phạt chỉ mấy trăm nghìn, cảnh cáo người ta có ý thức kiểm soát nồng độ cồn trong cơ thể.
Còn với người có nồng độ 0,125 đến 0,25 thì chỉ giảm một chút thôi, không giảm mạnh như đề xuất. Mức phạt hiện hành với người điều khiển ô tô từ 6-8 triệu là cao quá, thì giảm xuống 2-4 triệu. Tôi nghĩ, có giảm, nhưng giảm một mức độ thôi.
Nếu chúng ta làm như thế, công tác đảm bảo trật tự, ATGT sẽ duy trì rất tốt, được sự đồng thuận của nhân dân. Chúng ta đang kiểm soát nồng độ cồn tốt, bây giờ giảm nhiều quá có thể ảnh hưởng đến xu thế tuân thủ pháp luật của nhân dân liên quan vấn đề này.
PV:Vâng, những phân tích và đóng góp ý kiến rất chi tiết ạ. Một cơ sở để giảm mạnh mức xử phạt vi phạm hành chính là hiện tại người dân thấy tiền phạt nhiều quá, chấp nhận bỏ phương tiện lại mà không đóng phạt. Theo ông, chúng ta có nên tiếp tục duy trì việc tạm giữ phương tiện của người vi phạm?
Ông Khương Kim Tạo: Tôi cho rằng, chúng ta nên hạn chế giữ xe. Khi người điều khiển vi phạm nồng độ cồn thì yêu cầu người nhà của người đó ra lấy xe về. Chúng ta không giữ làm gì cả.
Nếu người đó nộp phạt ngay thì là tốt nhất. Còn nếu không nộp phạt ngay thì phải có giải pháp chịu trách nhiệm nộp phạt cho nhà nước. Còn cố tình không nộp phạt thì chúng ta sử dụng công an khu vực, vì tất cả có căn cước định danh rồi, ai ở đâu đều hiện cả. Chúng ta có thể phạt và yêu cầu người đó nộp vào kho bạc nhà nước. Nếu chây ì thì gửi cho tòa án xử lý. Tôi nghĩ, cái này hoàn toàn có thể làm được.
Chúng ta hạn chế tạm giữ xe, trừ trường hợp liên quan hình sự để giải quyết tang chứng, vật chứng. Còn liên quan chấp hành hình phạt kinh tế giao thông thì cho phép mang xe về. Đương nhiên, người mang xe về không phải là người uống rượu bia, phải là người tỉnh táo, có đầy đủ giấy phép lái xe thì đến nhận xe đấy mang về.
PV:Xin cảm ơn ý kiến của ông!
Nguồn: Vov.vn