Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, do đơn vị cấp phép mỏ đã không cấp phép hành lang nên khi khai thác trên đỉnh núi sẽ sạt trượt xuống phía dưới. Vì vậy, đơn vị liên quan đã xin chuyển đổi đất tạo thành hành lang khai thác, Chính phủ cũng đã đồng ý.
Ông Nguyễn Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: “Cách đây hơn 3 năm tại khu vực mỏ khai thác của công ty xi măng Duyên Hà xảy ra sạt trượt xuống khu vực quy hoạch đất rừng nên đã bị tạm dừng từ đó đến nay. Nguyên nhân là đơn vị cấp phép khai thác mỏ nhưng không cấp phép hành lang nên khi khai thác trên đỉnh núi kiểu gì cũng sạt trượt xuống phía dưới. Từ khi bị tạm dừng, các đơn vị chức năng làm các thủ tục xin Chính phủ cho chuyển đổi hơn 32ha để làm hành lang. Trong thời gian chờ, đơn vị cũng đã trồng cây xanh để khắc phục chỗ sạt trượt”.
Như VOV.VN đã đưa tin, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của “Dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Duyên Hà ở TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình”, được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng, mặt bằng của dự án được khống chế nằm trên độ cao từ cos+50m trở lên, chiều ngang của mỏ có nhiều vị trí rất hẹp, địa hình núi hiểm trở phức tạp và địa chất không ổn định. Các đường biên ranh giới mỏ chủ yếu nằm trên sườn núi dốc đứng, gây khó khăn cho quá trình khai thác.
“Do các yếu tố địa hình tự nhiên không thuận lợi như trên nên khi tiến hành khai thác mỏ đá vôi, dự án đã và đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ khu vực giáp ranh”, Báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu.
Năm 2020, chủ dự án – Công ty TNHH Duyên Hà (trụ sở tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xin điều chỉnh dự án, mở rộng hành lang khai thác để đảm bảo an toàn cho khu vực rừng lân cận khu vực khai thác mỏ. Tuy nhiên việc điều chỉnh này liên quan đến phần diện tích đất rừng tự nhiên phải chuyển đổi mục đích sử dụng.
Thông tin về các yếu tố nhạy cảm môi trường, chủ dự án cho rằng việc mở rộng diện tích đất với tổng diện tích trên 422.550m2 sẽ liên quan đến phần diện tích đất rừng tự nhiên và đất trồng lúa hai vụ phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong đó bao gồm diện tích gần 382.000m2 là rừng phòng hộ tự nhiên núi đá nghèo kiệt ngoài quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2013; 40.800m2 đất lúa của 36 hộ dân, đất rừng sản xuất thuộc quản lý của UBND phường Tân Bình và đất mặt nước, đất giao thông thuộc quản lý của UBND xã Yên Sơn.
Nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường khẳng định đến nay dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 của Nhà máy xi măng Duyên Hà. Theo thông tin được công ty này báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng vốn đầu tư của dự án trên 211 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08/2022 của Chính phủ, dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa 2 vụ nên có yếu tố nhạy cảm về môi trường. Dự án không trong phạm vi khu bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa và không có yêu cầu di dân, tái định cư. Tổng diện tích thực hiện dự án sau khi điều chỉnh mở rộng gần 988.400m2; công suất khai thác trên 2 triệu tấn đá vôi/năm.
Công ty TNHH Duyên Hà từng dính nhiều tai tiếng liên quan đến hoạt động khai thác, sản xuất của mình. Cụ thể, từ năm 2020, đơn vị này đã bị nhiều cơ quan báo chí phản ánh về hoạt động khai thác đá làm xi măng đã làm vùi lấp hơn 32.000m2 rừng phòng hộ ở phường Tân Bình, TP Tam Điệp.
Trước đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã ban hành kết luận thanh tra, phát hiện doanh nghiệp khai thác ra ngoài diện tích khu vực khai thác theo giấy phép 578/GP-BTNMT cấp ngày 26/4/2012 với tổng diện tích là 4,7ha; khai thác vượt công suất được cấp phép khai thác năm 2018 nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản số 1417/GP-BTNMT…
Nguồn: Vov.vn