Đợt nắng nóng gay gắt tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ còn tiếp diễn. Theo chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, ngày mai (10/8), đợt nắng nóng này sẽ lên tới đỉnh điểm, có nơi ở Bắc Bộ nhiệt độ lên tới khoảng 39 độ C trước khi bước vào đợt mưa lớn.
Thông tin về đợt nắng nóng này cũng như diễn biến thời tiết trong những ngày tiếp theo, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
PV: Thưa ông, sau khi chịu ảnh hưởng của đợt mưa lớn trong tháng 7, thời tiết hiện tại các tỉnh miền Bắc đã chuyển sang trạng thái nắng nóng. Vậy nguyên nhân hình thái thời tiết này là gì? Và mức độ của đợt nóng lần này như thế nào?
Ông Vũ Anh Tuấn: Theo số liệu chúng tôi thu thập được từ những ngày đầu tháng 8 nắng nóng xuất hiện diện rộng trên các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ. Sang ngày 3/8, nắng nóng mở rộng ra toàn Bắc Bộ và Trung Bộ. Hiện nay đã mở rộng ra toàn Bắc Bộ và Trung Bộ.
Nhiệt độ ghi nhận được trong đợt nắng nóng này phổ biến khoảng 36-38 độ C, tập trung nhiều ở các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, nhiệt độ một số nơi đã lên 39 độ. Ví dụ như Con Cuông (Nghệ An) 39,3 độ C, Hương Sơn (Hà Tĩnh) là 38,9 độ C, Đồng Hới 39 độ C và Tuy Hòa (Phú Yên) là 38,9 độ C. Nguyên nhân theo nhận định của chúng tôi là do tác động của vùng thấp nóng phía Tây kết hợp thêm với hiệu ứng Phơn gây ra đợt nóng nắng này.
Theo số liệu quan trắc mới nhất và cập nhật được cho thấy, nắng nóng trên khu vực các tỉnh Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến 10/8 và nhiệt độ cũng lên cao đỉnh điểm trong đợt nóng này ở mức 36-38 độ C. Đối với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nam Sơn La và Hòa Bình, khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế nhiệt độ có thời điểm cao trên 39 độ C. Nắng nóng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến 10/8. Ngày 11/8 nắng nóng ở Bắc Bộ có xu hướng dịu dần. Đối với các tỉnh Trung Bộ nắng nóng vẫn còn kéo dài. Tuy nhiên, từ khoảng ngày 12-13/8 thì mức độ nắng nóng suy giảm trên khu vực các tỉnh Trung Bộ.
PV: Theo ông, sau đợt nắng nóng này thì các tỉnh miền Bắc liệu có xuất hiện thiên tai, mưa lớn như thời gian vừa qua hay không? Nếu có thì mức độ sẽ như thế nào?
Ông Vũ Anh Tuấn: Số liệu cập nhật mới nhất đến chiều nay (9/8) và các thông tin dự báo cũng cho thấy, từ khoảng đêm mai (10/8), các tỉnh Bắc Bộ có khả năng xuất hiện vùng hội tụ gió từ tầng thấp đến tầng cao. Do vậy, khả năng từ đêm mai trên các tỉnh vùng núi và trung du có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to trên diện rộng và khoảng đêm 12/8 vùng mưa vừa, mưa to diện rộng này có khả năng mở rộng ra toàn bộ các tỉnh Bắc Bộ.
PV: Vậy ông có lưu ý gì đối với đợt mưa lớn lần này?
Ông Vũ Anh Tuấn: Về đợt mưa lớn này theo chúng tôi có 2 điểm cần phải lưu ý. Một là mưa thường xảy ra vào chiều tối đến đêm. Do vậy, tác động rất lớn đến khả năng phòng tránh cũng như là quan sát có thể biết được mưa lớn xảy ra ban đêm khó hơn ban ngày tương đối nhiều. Thứ hai là do hội tụ gió Tây Nam tầng thấp và phát triển tầng cao dày nên khả năng xảy ra những điểm mưa rất to nhưng tập trung trên một khu vực hẹp. Cường độ mưa lớn xảy ra trong khoảng thời gian ngắn làm tăng nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất cũng như ngập úng ở khu đô thị, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Số liệu cập nhật đến thời điểm này cho thấy khả năng đợt mưa kéo dài đến sáng ngày 15/8 trên các tỉnh Bắc Bộ.
PV: Vâng, xin cám ơn ông!
Liên quan đến các biện pháp ứng phó với đợt mưa lớn sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ chủ động các giải pháp ứng phó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ huy động mọi lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua. Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Các địa phương tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản. Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Nguồn: Vov.vn