Ngày 12/8 tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp với 10 địa phương trong vùng ĐBSCL về Dự án “Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL” (MERIT-WB11) cần nguồn vốn trên 17.700 tỷ đồng, dự án với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại các địa phương tham gia.
Theo Bộ NN&PTNT, tổng vốn cho nhóm dự án hơn 17.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay 545 triệu USD, hơn 13.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng và nguồn viện trợ. Dự án sẽ được triển khai tại 10 tỉnh vùng ĐBSCL gồm: Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, và An Giang.
Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch, tạo ra công việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động. Dự án sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin; đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng và thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp các địa phương đã đóng góp ý kiến về Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL. Trong đó khẳng định dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT-WB11) là dự án quan trọng góp phần triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương đánh giá các tiêu chí và khẳng định dự án phải phù hợp với tiêu chí biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Bên cạnh đó các địa phương cũng cần rà soát tổng mức đầu tư và khả năng bố trí vốn của địa phương. Ngoài ra, các cơ quan của Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ các địa phương hoàn thành các văn bản hướng dẫn để hoàn thành dự án theo yêu cầu.
“Tôi đề nghị có 3 việc lớn mà các địa phương phải kết luận trong văn bản này. Thứ nhất khẳng định và đánh giá các tiêu chí biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, kể cả các địa phương đã có văn bản rồi thì các đồng chí vẫn khẳng định lại cho tôi một lần. Vấn đề thứ hai khẳng định tổng mức đầu tư và khả năng bố trí vốn đối ứng, cái này cũng rất quan trọng. Vấn đề thứ ba các địa phương khẳng định 10% rồi nhưng mà mình vẫn khẳng định rằng là cái dư địa cần để vay là có và đảm bảo đủ 10% này”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ.
Theo Bộ NN&PTNT, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9) trên phạm vi 3 vùng sinh thái của vùng ĐBSCL gồm vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Dự án đã đóng góp tích cực trong chuyển đổi mô hình sinh kế, chống chịu với các thách thức của biến đổi khí hậu. Nhiều công trình thủy lợi đã được hoàn thành góp phần vào giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu như ngập lũ, xâm nhập mặn.
Trên cơ sở đạt được của WB9, Bộ NN&PTNT cùng với 10 tỉnh vùng ĐBSCL chuẩn bị dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT-WB11), đây là dự án quan trọng góp phần triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn: Vov.vn