Một số địa phương chậm gửi văn bản điều tra các vụ an toàn lao động

Theo Cục An toàn lao động, đa số các vụ tai nạn lao động đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên, một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ LĐ-TB-XH. Tỷ lệ báo cáo của các doanh nghiệp về tình hình tai nạn lao động gửi Sở LĐ-TB-XH còn thấp.

Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH), ttrong năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, giảm 324 vụ, tương ứng với 4,2% so với năm 2022. Số vụ tai nạn lao động đã làm 7.553 người bị nạn. Trong số các vụ tai nạn lao động trên, có 662 vụ tai nạn lao động chết người. Số người bị thương nặng do tai nạn lao động là 1.720 người.

Từ tổng hợp báo cáo địa phương cho thấy, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2023 để chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương….. là hơn 16.357 tỷ đồng. Con số này tăng khoảng 2.240 tỷ đồng so với năm 2022. Thiệt hại về tài sản là hơn 722 tỷ đồng, tăng khoảng 454 tỷ đồng so với năm 2022. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là hơn 149.770 ngày, tăng khoảng 6.302 ngày so với năm 2022.

mot so dia phuong cham gui van ban dieu tra cac vu an toan lao dong hinh anh 1
Hiện trường vụ nổ lò hơi xảy ra tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khiến 6 người tử vong

Bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2023 là TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai.

Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người nhận được cho thấy, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là, xây dựng, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, cơ khí, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giầy…

Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất gồm tai nạn giao thông, ngã từ trên cao, rơi, máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn, đổ sập…

Về nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 46,05% tổng số vụ và 44.37% tổng số người chết. Nguyên nhân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 15,85% tổng số vụ và 16,3% tổng số người chết. Số vụ còn lại do các nguyên nhân khác như tai nạn giao thông, do người khác gây ra, khách quan khó tránh.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước cũng xảy ra hàng loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra tại nhà máy xi măng Yên Bái khiến 7 người tử vong, 3 người bị thương nặng, vụ nổ lò hơi xảy ra tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khiến 6 người tử vong…

Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Chu Thị Hạnh đánh giá, công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ, số người bị nạn.

Theo bà Chu Thị Hạnh, hiện nay, nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Bà Hạnh cũng cho rằng, đa số các vụ tai nạn lao động đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên, một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ LĐ-TB-XH. Tỷ lệ báo cáo của các doanh nghiệp về tình hình tai nạn lao động gửi Sở LĐ-TB-XH còn thấp. Số doanh nghiệp chấp hành báo cáo tình hình tai nạn lao động chưa đầy đủ. Do vậy, việc tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác an toàn vệ sinh lao động phải làm thường xuyên, liên tục

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, cần đặc biệt chú ý đến môi trường lao động của người lao động: “Thực tế nhiều nơi hiện nay vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, việc này không tác động ngay đến người lao động mà từ từ gây hậu quả. Nhiều bệnh nghề nghiệp không chữa được và người lao động phải sống với bệnh tật suốt đời. Công tác an toàn lao động dù đã có những tiến bộ, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức và tuân thủ quy định trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tuân thủ các trách nhiệm xã hội, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được điều này. Đơn cử như công tác quan trắc môi trường lao động vẫn theo hình thức chống đối, không thể hiện được bản chất, không có sự giám sát người lao động. Một số đơn vị sử dụng lao động nông nhàn, không được đào tạo, không được huấn luyện về an toàn lao động dẫn đến những sự việc đáng tiếc”.

mot so dia phuong cham gui van ban dieu tra cac vu an toan lao dong hinh anh 2
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) nhấn mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động phải thực hiện liên tục, thường xuyên

Để giảm thiểu những vụ tai nạn lao động như thời gian qua, ông Hà Tất Thắng cho rằng, cần tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh huấn luyện, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự với những vụ việc nghiêm trọng. Công tác an toàn vệ sinh liên tục phải làm thường xuyên, liên tục, không bao giờ được hài lòng với kết quả đạt được. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, đồng nghĩa với điều kiện làm việc của người lao động cũng cần được cải thiện, nâng cao cả về điều kiện, môi trường làm việc và các yếu tố khác. Khi điều kiện làm việc tốt cũng sẽ giúp tăng năng suất lao động, đồng thời đảm bảo sức khỏe, tính mạng và an toàn cho người lao động. Rõ ràng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc không chỉ đảm bảo quyền lợi của người lao động mà còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tăng tính cạnh tranh.

“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã ký 16 hiệp định FTA và điều kiện an toàn về siêu lao động. Nếu sản xuất hàng hóa không an toàn sẽ không được các nước phát triển chấp nhận. Do đó, ngoài chất lượng, hàng hóa còn cần đảm bảo yếu tố “sạch”. Sạch ở đây là không sử dụng lao động vị thành niên, không xảy ra mất an toàn về môi trường lao động, nguyên liệu được chứng nhận đảm bảo… Như vậy, vấn đề an toàn vệ sinh lao động trong các chuỗi cung ứng cũng là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay”, ông Hà Tất Thắng nhấn mạnh.

Nguồn: Vov.vn