Sau một thời gian dài siết chặt quản lý việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu bia, thì vừa qua, Quốc hội quyết định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi thông qua dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Việc cấm rượu bia khi tham gia giao thông là điều đáng ra chúng ta phải làm từ lâu, chứ không phải chờ đến tận bây giờ…
Tuy nhiên, muộn còn hơn không, bởi đã có quá nhiều vụ tai nạn thương tâm, để lại hậu quả khủng khiếp đối với nạn nhân và thậm chí là người gây tai nạn và gia đình của họ.
Cũng có người nói, tỷ lệ những vụ tai nạn do rượu bia chỉ chiếm một phần nhỏ trong các vụ tai nạn giao thông diễn ra hằng ngày. Thế nhưng, phải biết rằng, khi trong máu có nồng độ cồn cao và gặp tai nạn, việc cứu chữa là rất khó khăn và thường để lại di chứng rất nặng nề.
Ai cũng biết, khi có lượng cồn cao trong người, hành vi, ứng xử của con người là không còn bình thường và với nhiều trường hợp sẽ có những hành động mất kiểm soát gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Quyết định cấm điều khiển xe khi trong người có cồn kèm với xử phạt nặng có thể nói đến nay đã phát huy tác dụng. Thế nhưng, bên cạnh rượu bia còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn tới mất an toàn khi tham gia giao thông và thậm chí là gây tai nạn nghiêm trọng.
Điển hình là việc sử dụng điện thoại trong lúc điều khiển ô tô, xe máy…
Theo các chuyên gia giao thông, việc sử dụng điện thoại là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tai nạn giao thông hiện nay.
Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, ai cũng sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, và nhu cầu cập nhật thông tin thường xuyên từ đó là rất lớn, đặc biệt khi mạng xã hội phát triển và nhiều người trở nên “nghiện” ứng dụng này.
Rất nhiều người nghiện mạng xã hội đến mức không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại, ngay cả khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Người viết bài có lần đi cùng xe với một người bạn từ Hà Nội vào Thanh Hóa, trên quãng đường hơn 100km, anh bạn kia không lúc nào rời tay và mắt khỏi chiếc điện thoại, liên tục chụp ảnh trên đường và cập nhật lên một nhóm chuyên về ô tô trên mạng xã hội.
Khi được nhắc đi cẩn thận thì anh bạn kia cho rằng, mình lái xe an toàn và điều đó không ảnh hưởng gì. Đó cũng là lần duy nhất người viết ngồi sau xe của anh bạn đó. Tất nhiên, trên đường về thì đã phải chủ động đề nghị để tự lái xe…
Có nhiều phản ánh về việc hiện nay các lái xe công nghệ thường xuyên có tính trạng vừa điều khiển xe vừa xem điện thoại, tham gia giao thông thiếu ý thức, thiếu an toàn, gây ảnh hưởng tới giao thông công cộng. Tuy nhiên, họ rất ít bị xử lý bởi lực lượng chức năng.
Hằng ngày, đi ra đường, chắc hẳn chúng ta đều chứng kiến cảnh những người đi xe máy một tay điều khiển xe một tay cầm điện thoại chăm chú nhìn vào màn hình, chỉ thỉnh thoảng liếc mắt nhìn đường. Có người nghe điện thoại, nhưng cũng có người xoay ngang màn hình để xem một thông thông tin nào đó trên điện thoại.
Không chỉ có người đi xe máy, ngay cả với những người điều khiển ô tô, trên cao tốc cũng vậy. Có những trường hợp mải xem điện thoại, đi dưới tốc độ cho phép và giữ ở làn ngoài khiến các phương tiện khác phải tránh né hoặc gặp khó trong di chuyển trên đường.
Rõ ràng, chúng ta chưa có một giải pháp mạnh mẽ và dứt khoát để chấm dứt tình trạng nguy hiểm này.
‘Tại Khoản 23 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi vi phạm nghiêm trọng khi tham gia giao thông. Trong đó, hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại là hành vi mang lỗi cố ý trực tiếp.
Theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi dùng tay để sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Việc dùng tay để sử dụng điện thoại di động khi lái xe trên đường sẽ bị xử phạt mức tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.
Căn cứ Điểm h Điều 6 Nghị định 100/2019, việc xử phạt người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ được thực hiện như sau: Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn chịu các hình thức xử phạt bổ sung như bị tước Giấy phép lái xe trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng.
Bên cạnh đó là những hình phạt về việc gây tai nạn ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người khác. Tuy nhiên, có thể nói vẫn là quá nhẹ, ít nhất là so với việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo quan sát, hiện nay việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, đặc biệt là với những người điều khiển xe gắn máy là khá phổ biến. Nhưng rất ít trường hợp bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đã có thời điểm, lực lượng chức năng ra quân xử lý, tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, đâu lại vào đó. Nếu chúng ta muốn chấm dứt tình trạng này, cần phải có những biện pháp cương quyết, giống như đang áp dụng với việc cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông…
Nguồn: Vov.vn