Xung đột Nga-Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới?

Cuộc xung đột ở Ukraine – từng được Tổng thống Vladimir Putin kỳ vọng sẽ sớm kết thúc trong vài tuần, đã bước sang năm thứ ba. Theo các chuyên gia, một thỏa thuận hòa bình có thể sẽ không thành hiện thực và việc chấm dứt xung đột chỉ xảy ra khi một bên cạn kiệt nguồn vũ khí.

Cục diện trên chiến trường

Cuộc tiến công đầu tiên nằm trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã bắt đầu hồi tháng 2/2022, nhắm vào các thành phố lớn của Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev. Trong vòng vài tuần, sự kháng cự quyết liệt từ phía Ukraine và quá trình tiếp tế bị gián đoạn đã buộc Moscow phải rút quân khỏi miền bắc, tập trung phòng thủ tại khu vực Donbas và những vùng lãnh thổ khác nằm ở phía nam mà họ đã thành công giành quyền kiểm soát trước đó. Phạm vi kiểm soát của Nga đã dần thu hẹp vào cuối năm 2022 sau khi Ukraine tấn công chiếm lại Kharkov ở phía đông bắc và Kherson ở phía nam.

Tuy nhiên, Ukraine sau đó dần rơi vào thế bị động do tương quan lực lượng và vũ khí chênh lệch với Nga. Tổng thống Putin đang yêu cầu Kiev rút quân khỏi bốn khu vực (Kherson, Zaporizhia, Lugansk, Donetsk) đã sáp nhập vào Nga và từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Ukraine không chấp nhận từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào của mình để đổi lại hòa bình.

xung dot nga-ukraine se dan den mot cuoc chay dua vu trang moi hinh anh 1
Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Los Angeles Times

Trong khi đó, các cuộc không chiến giữa hai bên cũng diễn ra dồn dập dọc theo tiền tuyến kéo dài 1.000 km. Ukraine đã sử dụng vũ khí công nghệ cao do phương Tây viện trợ để phá hủy các tài sản quân sự của Nga nằm sâu sau tiền tuyến, bao gồm các tàu chiến chủ lực thuộc hạm đội Biển Đen. Kiev cũng triển khai các máy bay không người lái (UAV) nhằm phá hủy xe tăng Nga và theo dõi các hoạt động di chuyển của quân đội Moscow. Một số thông tin tình báo do UAV thu thập đã được chuyển thẳng tới các sở chỉ huy Kiev ngay sau đó.

Sự tương phản giữa Nga và Ukraine

Về chiến thuật, quân đội Nga vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các chiến hào, bãi mìn và công sự tạm thời khác để củng cố tuyến phòng thủ của mình. Moscow vẫn thực hiện cấu trúc chỉ huy theo kiểu Liên Xô từ trên xuống dưới, theo đó các đơn vị trên chiến trường tuân thủ gần như tuyệt đối quân lệnh từ bộ chỉ huy cấp cao. Khi tấn công, các đơn vị Nga liên tục đổ quân về phía các vị trí Ukraine nhằm mục tiêu áp đảo hoặc xác định khu vực đóng quân của đối phương trên diện rộng để tiến hành pháo kích.

Sở hữu ít nhân lực hơn Nga, Ukraine khó có thể chịu đựng tổn thất lớn trên chiến trường. Kể từ cuộc phản công thất bại vào giữa năm 2023, Kiev đã áp dụng chiến thuật đề cao sự chính xác, nhắm vào các tuyến tiếp tế của Nga bằng vũ khí tầm xa và tiến hành tấn công tầm ngắn, quy mô nhỏ hơn để thử nghiệm khả năng phòng thủ của Nga. Quân đội Ukraine đã được huấn luyện bởi các cơ sở quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tiến tới áp dụng cách đánh của phương Tây là trao quyền cho các sĩ quan cấp dưới đưa ra quyết định tác chiến trên chiến trường.

Xét về nhân lực, việc đánh giá thiệt hại của cuộc xung đột là rất khó, nếu không muốn nói là không thể, vì cả Moscow và Kiev đều không công bố số liệu chính thức về số binh lính thiệt mạng và bị thương.

Lệnh triệu tập 300.000 quân dự bị vào tháng 9/2022 của Điện Kremlin đã gây ra làn sóng bất an giữa lòng nước Nga. Khoảng 1 triệu người Nga đã chạy trốn nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới nước này, buộc ông Putin phải nâng mức lương và tiền thưởng nhằm thuyết phục công dân đăng ký nhập ngũ. Tại St. Petersburg -thành phố lớn thứ hai của Nga, những người lính được trả 1,3 triệu rúp, gần bằng mức thu nhập bình quân đầu người ở đây.

 Nỗ lực này dường như đã có hiệu quả. Tổng tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng quân đội Mỹ Christopher Cavoli, cho biết vào tháng 4 rằng Nga đã tăng cường lực lượng chiến trường lên 470.000 quân, tăng từ khoảng 350.000 quân vào thời điểm đầu diễn ra xung đột. Theo New York Times, Moscow vẫn có thể tuyển dụng từ 25.000 đến 30.000 binh sĩ mới mỗi tháng.

Trong khi đó, việc tuyển thêm quân là bài toán khó với Kiev, khi không còn nhiều người sẵn sàng nhập ngũ sau hai năm xung đột. Ukraine được cho có khoảng 500.000-800.000 quân chính quy và khoảng 400.000 quân dự bị trước xung đột. Kiev hồi tháng 5 đã phải hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25, thậm chí cho phép tội phạm phục vụ trên chiến trường, nhằm mục đích bổ sung lực lượng cho tiền tuyến.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 3/7, ông Zelensky cho biết tình hình quân lực đã được cải thiện trong ba tháng qua, song vấn đề lớn hơn hiện nay là thiếu đạn dược.

Tìm thấy điểm chung trong cuộc chạy đua vũ trang?

Ukraine đang kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ các vũ khí tầm xa có khả năng định vị và phá hủy các sân bay bên trong lãnh thổ Nga – những sân bay được sử dụng để phóng các tiêm kích nhắm vào các thành phố chiến lược và mục tiêu quân sự của Ukraine. Moscow cũng tập trung vào việc mở rộng kho vũ khí trên không với hàng loạt tên lửa đạn đạo, UAV và bom lượn có sức công phá lớn, khiến Kiev không kịp trở tay.

Một cuộc chạy đua vũ trang đang được tiến hành song song với các đợt giao tranh, do hai bên đều đánh giá cao tầm quan trọng của một kho vũ khí đồ sộ khi xung đột vẫn chưa thấy hồi kết.

xung dot nga-ukraine se dan den mot cuoc chay dua vu trang moi hinh anh 2
Tên lửa ATACMS. Ảnh: Euronews

Các nhà máy của Nga cũng gia tăng công suất để sản xuất thêm vũ khí mới. Kết quả là, sản lượng tên lửa tầm xa của nước này đã tăng vọt từ khoảng 40 quả mỗi tháng lên khoảng 100 quả, theo thông tin tình báo của NATO được International Crisis Group trích dẫn vào tháng 5. Năng lực sản xuất đạn pháo là khoảng 3 triệu quả một năm, hơn gấp đôi số lượng 1,2 triệu quả sản lượng của cả Mỹ và châu Âu cộng lại.

Moscow cũng đi tìm sự giúp đỡ từ các đối tác chiến lược. Hàn Quốc, Triều Tiên cung cấp cho Moscow tới 5 triệu quả đạn pháo. Iran đã gửi nhiều UAV cùng một số công nghệ tiên tiến cho một cơ sở sản xuất của Nga, nơi sẽ cho ra đời hàng loạt nhiều máy bay không người lái vào năm 2025.

Chi tiêu quốc phòng của Nga đang tiến gần đến mức chi tiêu vào những năm 1980 –  thời kỳ căng lên cao trong Chiến tranh Lạnh.

“Hiện chính phủ Nga vẫn cần trang trải một số nhu cầu về vũ khí, bao gồm cả xe bọc thép, bằng cách tái trang bị kho dự trữ. Nga có thể sẽ đốt cháy nguồn vũ khí chỉ này trong vòng hai năm tới và tiếp tục sản xuất thêm”, bà Dara Massicot, chuyên gia quân sự tại Quỹ Carnegie cho biết.

Sau nhiều tháng vật lộn với tình trạng thiếu hụt vũ khí trong bối cảnh dòng chảy viện trợ bị trì hoãn, Ukraine đã nhận được một số tên lửa Storm Shadow và ATACMS; đồng thời được phép sử dụng chúng để tấn công vào các vị trí, sân bay và kho vũ khí của Nga. Điều này đã mở ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Nga mà lực lượng không quân Ukraine hy vọng có thể sẽ khai thác được, đặc biệt sau khi các phi công của họ đang được đào tạo để lái máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cung cấp. Các quan chức Ukraine cho biết họ cần ít nhất là 120 chiếc để tăng cường đáng kể năng lực không quân của đất nước họ.

Tuy nhiên, dù Ukraine đã tiến hành phản công trong thời gian gần đây, chuyên gia Ben Barry thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London vẫn cho rằng tình thế trên tiền tuyến đang nghiêng về phía Nga. Theo ông, lợi thế trên không của Moscow là “một sự thật dễ thấy”, khiến Kiev liên tục phải “oằn mình” chống lại các đợt không kích bằng tên lửa và UAV được phóng từ đất Nga vào các vị trí chiến lược nằm trong lãnh thổ Ukraine.

“Ukraine đang tìm cách giành lại thế chủ động trước Nga thông qua các công nghệ tiên tiến do phương Tây tài trợ, trong bối cảnh Nga vẫn áp đảo về nhân lực và vũ khí. Nếu Ukraine, cục diện chiến trường sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho họ. Nhưng hiện tại, Nga vẫn ở kèo trên”.

Ông Barry nhận định, “vũ khí vẫn là yếu tố quyết định cục diện xung đột”.

Nguồn: Vov.vn