Lý do Ukraine từ chối tiêm kích Gripen của Thụy Điển

Thụy Điển hồi cuối tháng 5 cho biết nước này tạm dừng kế hoạch chuyển máy bay chiến đấu Gripen cho Ukraine. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tobias Billstrom mới đây cho hay, quyết định dừng kế hoạch là do Kiev đưa ra.

Hồi cuối tháng 5, Thụy Điển cho biết nước này tạm dừng kế hoạch chuyển máy bay chiến đấu Gripen cho Ukraine. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson nói rằng các đối tác phương Tây muốn ưu tiên chuyển giao tiêm kích F-16 cho Kiev trước.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tobias Billstrom mới đây cho biết, quyết định dừng kế hoạch liên quan tới Gripen đến từ Ukraine.

ly do ukraine tu choi tiem kich gripen cua thuy Dien hinh anh 1
Máy bay chiến đấu đa nhiệm Gripen của Thụy Điển. Ảnh: Saab

“Quyết định này được Ukraine đưa ra sau khi Kiev nhận thấy việc vận hành cùng lúc 2 loại máy bay chiến đấu, F-16 và Gripen, là quá nhiều”, ông Billstrom nói.

“Thụy Điển sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu Gripen cho Ukraine sau khi chương trình F-16 hoàn thành, nhưng các bước tiếp theo phụ thuộc vào Kiev”, ông Billstrom cho biết thêm.

Dù vậy, ông Billstrom cho rằng quyết định của Ukraine là có lý trong bối cảnh hiện nay và có liên quan đến 2 yếu tố. Thứ nhất, số lượng máy bay F-16 có sẵn để chuyển giao cũng như số lượng các quốc gia tài trợ ngày càng nhiều.

Khía cạnh thứ hai là khó khăn trong việc vận hành máy bay chiến đấu. Thực tế với F-16 cho thấy quá trình này rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

“Vấn đề không chỉ là tiếp nhận máy bay và đào tạo phi công. Đây là những hệ thống phức tạp và sẽ rất khó quản lý khi vận hành 2 loại máy bay chiến đấu cùng lúc”, ông Billstrom nhấn mạnh.

Mặt khác, nếu như với F-16, nhiều thành viên NATO có thể hỗ trợ huấn luyện phi công cho Ukraine, thì với Gripen, việc huấn luyện sẽ chủ yếu do Thụy Điển đảm nhiệm. Ngoài Thụy Điển, chỉ có 2 quốc gia khác vận hành tiêm kích Gripen là Cộng hòa Séc và Hungary.

Gripen phù hợp hơn F-16?

JAS 39 Gripen là máy bay chiến đấu đa năng, một động cơ hạng nhẹ, do Công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ Saab AB của Thụy Điển sản xuất. Gripen thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/1988, được đưa vào phục vụ trong quân đội từ năm 1996.

Tiêm kích Thụy Điển được nhiều chuyên gia đánh giá là lựa chọn tốt hơn cho Ukraine so với F-16 do Mỹ sản xuất. Thiết kế có cấu trúc mở, gầm cao, hệ thống giá treo cứng và khả năng bảo dưỡng, sửa chữa ngay tại nơi hạ cánh mà không cần nhà xưởng mang lại cho Gripen lợi thế chiến thuật lớn hơn nhiều so với F-16.

Gripen và F-16 (do General Dynamics, nay là Lockheed Martin, phát triển), có những khác biệt rõ rệt trong hệ thống điện tử hàng không.

Gripen có bộ hệ thống điện tử tiên tiến bao gồm buồng lái kỹ thuật số tích hợp đầy đủ với 3 màn hình đa chức năng (MFD) lớn, màn hình hiển thị trên kính lái góc rộng (HUD) và hệ thống điều khiển HOTAS. Kết cấu như vậy cho phép Gripen nhận thức tình huống tốt hơn và giúp phi công dễ dàng điều khiển hơn.

Ngược lại, hệ thống điện tử hàng không của F-16 đã trải qua nhiều thay đổi theo thời gian. Các biến thể mới nhất, chẳng hạn như F-16V, có buồng lái hiện đại hơn với MFD màu, HUD nâng cấp và bộ điều khiển HOTAS tương tự như Gripen. Tuy nhiên, các mẫu F-16 đời đầu chỉ có bộ trang bị tiêu chuẩn.

Điểm khác biệt chính nằm ở hệ thống radar. Gripen được trang bị radar PS-05/A. Đây là radar xung Doppler đa chế độ, có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc và cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao.

F-16, tùy biến thể, có thể được trang bị các radar khác nhau. Ví dụ, F-16V sử dụng AN/APG-83 [SABR], một radar mảng quét điện tử chủ động [AESA] cung cấp khả năng phát hiện và theo dõi nâng cao so với các radar mảng quét cơ học trên các biến thể cũ.

Hệ thống tác chiến điện tử [EW] của Gripen và F-16 cũng có sự khác nhau. Gripen được trang bị bộ tác chiến điện tử tích hợp. Bộ EW này được thiết kế để bảo vệ toàn diện máy bay trước một loạt các mối đe dọa.

F-16, đặc biệt là trong các cấu hình mới nhất, cũng có các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, chẳng hạn như AN/ALQ-213, tích hợp nhiều biện pháp hỗ trợ phòng thủ và đối phó khác nhau để nâng cao khả năng sống sót.

Về cấu ​​trúc, Gripen có thiết kế mở, cho phép nâng cấp và tích hợp các công nghệ mới dễ dàng hơn. Cách tiếp cận mô-đun này đảm bảo máy bay có thể được cập nhật nhanh chóng để đáp ứng các mối đe dọa và yêu cầu hoạt động ngày càng tăng.

Còn với F-16, chỉ có các biến thể sau này mới áp dụng kiến ​​trúc mở tương tự, cho phép liên tục hiện đại hóa và tích hợp các khả năng tiên tiến.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, những chiếc F-16 mà Ukraine sắp được nhận sẽ chủ yếu là biến thể cũ.

Ngoài các yếu tố kỹ thuật, một trong những lý do quan trọng nhất khiến Gripen được đánh giá là phù hợp với Ukraine hơn F-16 là tiêm kích Thụy Điển có thể vận hành trên đường bộ mà không cần đường băng chuyên biệt như F-16.

Căn cứ không quân của đối phương là mục tiêu có giá trị cao trong các cuộc xung đột. Giải pháp tốt nhất khi đó là các máy bay sẽ sử dụng đường bộ và đường cao tốc, những nơi có thể hoạt động như đường băng trong trường hợp khẩn cấp.

Thực tế cũng cho thấy, thời gian gần đây Nga đã liên tiếp tấn công các sân bay quân sự ở Ukraine để khiến F-16 “không còn nơi cất cánh”.

Nguồn: Vov.vn