Trong tuyên bố chung và phát biểu của các lãnh đạo khối, hội nghị đã đạt được đồng thuận mạnh mẽ về hỗ trợ an ninh và cam kết “con đường không thể đảo ngược” để Ukraine trở thành thành viên của NATO.
Tinh thần đoàn kết của khối NATO
Đánh giá về Hội nghị thượng đỉnh có thể thấy vấn đề nổi bật và được quan tâm nhiều nhất là chính sách của khối đối với Ukraine. Trong tuyên bố chung và phát biểu của các lãnh đạo khối, hội nghị đã đạt được đồng thuận mạnh mẽ về hỗ trợ an ninh và cam kết “con đường không thể đảo ngược” để Ukraine trở thành thành viên của NATO.
Theo nghĩa này, hội nghị thượng đỉnh đã thành công, thể hiện sự đoàn kết trong chính sách đối với Ukraine, trong khi Ukraine cũng tận dụng sự kiện này để thu hút thêm các cam kết an ninh song phương. Tuy nhiên, vấn đề Ukraine thường được xem là hàn thử biểu để đánh giá mức độ đoàn kết của NATO hơn là để NATO khẳng định tinh thần đoàn kết của khối.
Phía sau sự đồng thuận của NATO thì còn rất nhiều mâu thuẫn và chia rẽ trong chính sách đối với cuộc chiến và tương lai của Ukraine. Về cam kết viện trợ, mặc dù NATO cam kết cung cấp ít nhất 40 tỷ USD cho Ukraine trong năm tới nhưng khoản viện trợ này không đáp ứng được các kỳ vọng dài hạn mà lãnh đạo của khối nhiều lần đề cập.
Ví dụ như trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg muốn thúc đẩy kế hoạch thành lập quỹ viện trợ hơn 100 tỷ USD trong vòng 5 năm từ các thành viên để hỗ trợ Ukraine nhưng sau đó đã từ bỏ.
Cam kết viện trợ này thực chất cũng không đánh dấu việc gia tăng hỗ trợ tài chính mà chỉ tương đương với mức viện trợ cung cấp hàng năm cho Ukraine kể từ sau khi cuộc chiến bùng phát. Về cam kết an ninh và tư cách thành viên cho Ukraine, mặc dù rất mạnh mẽ nhưng chưa có các mốc thời gian cụ thể, không dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp… những vấn đề này cho thấy, sự đoàn kết của NATO về Ukraine mới chỉ là cam kết và không chắc chắn trong thời gian tới.
Vấn đề mở rộng hợp tác của NATO với các đối tác ngoài châu Âu
Vấn đề mở rộng hợp tác hay là tăng cường can dự với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng đang là nội dung đáng chú ý và là mâu thuẫn lớn ngay trong nội bộ các nước NATO. Việc này thể hiện ở ý định mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản, vốn được đề xuất đã lâu nhưng chưa thực hiện được do các ý kiến phản đối, chú yếu là từ Pháp.
Việc mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản cũng không được Mỹ hoan nghênh khi không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh năm nay. Các ý kiến phản đối cho rằng việc NATO mở rộng can dự sang châu Á đang đi chệch hướng mục đích ban đầu của khối, chỉ là tổ chức phòng thủ khu vực. Tuy nhiên, việc mở rộng hợp tác không có nghĩa là thay đổi sứ mệnh của NATO mà chính là việc mở rộng phạm vi can dự, từ khu vực chuyển sang toàn cầu của liên minh quân sự này.
Điều này thể hiện ở việc mở rộng hợp tác với các đối tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một trong những định hướng của Mỹ, quốc gia lãnh đạo NATO. Trọng tâm địa chính trị thế giới hiện đang chuyển dịch sang châu Á, lợi ích chiến lược của Mỹ tăng lên, chia tách và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gia tăng chính vì thế, Mỹ và cụ thể là Chính quyền Tổng thống Biden muốn hướng mạng lưới đồng minh và đối tác của mình đối phó với Trung Quốc trong tương lai.
Ý định chiến lược này của Mỹ và các nước NATO được hình thành và thực hiện từ lâu, thể hiện qua chính sách của khối, cụ thể, Khuôn khổ an ninh NATO 2010 xác định Trung Quốc là đối tác hợp tác, đến năm 2020 đã điều chỉnh, xác định Trung Quốc là thách thức chiến lược, đặc biệt, trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua, NATO còn công khai coi Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng và cấp thiết.
Trước mắt, Mỹ và NATO có thể sẽ củng cố sức mạnh của các đồng minh châu Âu để đối phó với Nga trong khi Mỹ tập trung ngăn chặn Trung Quốc. Với xu hướng chính sách này của Mỹ và NATO, tại châu Âu có thể sẽ diễn ra cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và NATO, trong khi đó, tại châu Á, đối đầu giữa NATO và các đối tác với Trung Quốc có thể gia tăng khi hai bên đẩy mạnh và mở rộng hợp tác, cơ chế hóa các hoạt động phối hợp cả về an ninh, quốc phòng đến các lĩnh vực phi truyền thống.
Thông điệp quan trọng nhất mà NATO muốn truyền tải
Với cột mốc kỷ niệm 75 năm thành lập và các tuyên bố được đánh giá là mạnh mẽ và hoành tráng của lãnh đạo các nước thành viên, thông điệp quan trọng nhất mà NATO muốn thể hiện có lẽ là khẳng định bất chấp các thách thức và khó khăn, liên minh quân sự này không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn đang được mở rộng, điều chỉnh và phát triển không ngừng. Thông điệp này thể hiện rõ rệt trên một số lĩnh vực được nhắc đến nhiều lần trong Tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh cũng như tuyên bố của Mỹ và các nước thành viên.
Thứ nhất, số lượng các nước thành viên tăng không ngừng, từ 12 nước khi thành lập năm 1949 đã tăng lên 32 với quốc gia mới nhất gia nhập là Thụy Điển. Việc Thụy Điển và trước đó là Phần Lan, chính thức từ bỏ chính sách trung lập kéo dài hàng thập kỷ qua để đứng vào hàng ngũ liên minh quân sự lớn nhất thế giới được đánh giá là thời khắc lịch sử của NATO.
Thứ hai, từ một liên minh hai bờ Đại Tây Dương, NATO đang mở rộng toàn diện các lĩnh vực hợp tác, từ an ninh truyền thống sang các các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề an ninh mới nổi như an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo; từ quân sự, chính trị sang kinh tế, thương mại, khí hậu, nhấn mạnh đến các chương trình nghị sự về Phụ nữ, hòa bình và an ninh hay An ninh con người…
Không chỉ mở rộng các lĩnh vực hợp tác, NATO còn mở rộng khu vực can dự, từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Phi, Trung Đông và hiện nay là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thứ ba, trong hội nghị thượng đỉnh, các thành viên NATO đều cam kết tăng ngân sách quốc phòng, ít nhất là 2% tổng sản phẩm quốc nội GDP, mở rộng đầu tư vào công nghiệp quốc phòng tại mỗi thành viên nhằm nâng cao năng lực quân sự của khối.
Nói tóm lại, bên cạnh các thông điệp như ủng hộ Ukraine, xác định Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất hiện nay, công khai xác định Trung Quốc là nguy cơ nghiêm trọng… thì cam kết đầu tư vào sức mạnh tương lai, sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào mà NATO phải đối mặt, hay nói cách khác, NATO vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, có thể mở rộng can dự ở quy mô toàn cầu là thông điệp được nhấn mạnh nhất trong dấu mốc kỷ niệm 75 năm ngành thành lập của khối quân sự này.
Nguồn: Vov.vn