Liệu có phải chuyến thăm Moscow và cử chỉ nồng ấm công khai với Tổng thống Putin của Thủ tướng Modi sẽ gây tổn hại cho quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ? Tại sao mối quan hệ với Nga lại quan trọng đến mức Ấn Độ sẵn sàng đặt cược sau nhiều năm tập trung vào Mỹ?
Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp bất kỳ lãnh đạo thế giới nào là nam giới, ông hầu như đều dành cho họ một cái ôm. Tuy nhiên, cái ôm của ông vào tuần trước với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow đã làm dấy lên sự chỉ trích công khai từ cả Washington và Kiev.
Trong một loạt thông báo, các quan chức Mỹ đã chỉ trích chuyến thăm Nga của Thủ tướng Modi. Đây là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thận trọng cho rằng mối quan hệ mạnh mẽ với Nga sẽ là “ván cược xấu” cho Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller thì cho biết, Mỹ quan ngại về quan hệ giữa Ấn Độ với Nga. Eric Garcetti, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ cảnh báo New Delhi không nên coi tình hữu nghị với Washington là đương nhiên.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ quan điểm một cách trực tiếp hơn khi cho rằng cái ôm của Thủ tướng Ấn Độ với Tổng thống Nga là một “sự thất vọng to lớn” và “một cú đánh mạnh vào những nỗ lực hòa bình”.
Câu hỏi đặt ra là liệu có phải Ấn Độ đã tính toán sai về phản ứng có thể xảy ra với chuyến thăm của ông Modi? Liệu có phải chuyến thăm Moscow và cử chỉ nồng ấm công khai với Tổng thống Putin sẽ gây tổn hại cho quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ? Tại sao mối quan hệ với Nga lại quan trọng đến mức Ấn Độ sẵn sàng đặt cược sau nhiều năm tập trung vào quan hệ với Mỹ?
Các nhà phân tích cho rằng, New Delhi tự tin vào khả năng giải quyết các mối quan hệ phức tạp, đồng thời đặt cược rằng cựu Tổng thống Trump sẽ quay lại Nhà Trắng và giảm bớt lập trường cứng rắn với Nga.
“Người bạn Donald Trump của tôi”
Ngày 13/7, sau khi ông Trump bị bắn tại một cuộc mít tinh ở Pennsylvania, trong một bài đăng tải trên mạng xã hội X, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chỉ trích cuộc tấn công, đồng thời gọi ông Trump là “người bạn của tôi”. Cách đây một vài năm, hai nhà lãnh đạo từng tổ chức chung các sự kiện ở Houston và thành phố Ahmedabad của Ấn Độ. Một quan chức Ấn Độ cấp cao nhận định, chính quyền Thủ tướng Modi ngày càng tin rằng ông Trump sẽ quay lại nắm quyền vào tháng 11 tới.
Cựu Tổng thống Trump đang dẫn trước Tổng thống đương nhiệm Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận tại một số bang dao động và hình ảnh ông Trump giơ nắm tay lên cao với lá cờ Mỹ sau lưng trong khi vẫn dính máu ở tai và má được cho là sẽ củng cố lợi thế của ông trước ông Biden.
“Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dường như là một kết quả được định trước cho ông Trump và Thủ tướng Modi sẽ hài lòng về điều đó”, quan chức Ấn Độ này cho hay.
Theo các nhà phân tích, có một lý do mà nếu ông Trump giành chiến thắng sẽ giúp ích cho Ấn Độ, đó là New Delhi sẽ không phải đối mặt với sức ép phải quay lưng với Moscow.
“Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump gần như chắc chắn sẽ ít quan tâm hơn đến những ý kiến về quan hệ Nga – Ấn Độ”, Christopher Clary, Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Albany và là học giả tại chương trình Nam Á thuộc Trung tâm Stimson nhận định.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, cựu Tổng thống Trump đã tập trung sự quan tâm chiến lược của Mỹ vào mối quan hệ đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh thay vì Moscow – một quan điểm tương đồng với Ấn Độ bởi New Delhi cũng coi Bắc Kinh là mối đe dọa chính.
Sự cân bằng mong manh
Rõ ràng, bản thân mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ đã có một lịch sử lâu dài. Moscow là nhà cung cấp vũ khí cũng như các trang thiết bị quốc phòng khác lớn nhất cho Ấn Độ, từ các tiêm kích MiG và Sukhoi đến gần đây hơn là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ấn Độ đã tăng cường đáng kể việc mua dầu thô từ Moscow. Nga hiện là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ và lượng nhập khẩu này đã khiến tổng kim ngạch thương mại giữa Moscow và New Delhi ở mức 10 tỷ USD cách đây 1 năm tăng vọt lên 63 tỷ USD.
Tại các nước phương Tây, Ấn Độ đối mặt với sự chỉ trích vì các thương vụ này, được cho là đã đóng góp vào nguồn doanh thu của Nga, có thể sử dụng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. New Delhi bác bỏ những chỉ trích đó và cho rằng bằng việc mua dầu mỏ Nga, nước này đang góp phần giúp cho giá dầu thô toàn cầu ổn định.
Dù vậy, trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường thúc đẩy quan hệ với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ – đối tác mà New Delhi cho là cần thiết để đối phó với mối đe dọa gia tăng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga về mặt quốc phòng đang giảm dần khi nước này mua nhiều hệ thống vũ khí mới từ các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu.
Ấn Độ khẳng định nước này chỉ đang thực hiện sự tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, phát biểu vào tuần trước tại thành phố Kolkata ở phía Đông Ấn Độ, Đại sứ Mỹ Garcetti đã phản bác rằng: “Không có thứ gì gọi là tự chủ chiến lược trong một cuộc xung đột”, dường như đang nhắc đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Chuyến thăm của ông Modi tới Nga diễn ra chỉ 1 ngày trước khi ông Zelensky hạ cánh ở thủ đô Washington để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO.
Các nhà phân tích nhận định, Ấn Độ có đủ lá bài trong tay để giải quyết sự phức tạp trong các mối quan hệ.
Nhà quan sát Christopher Clary cho rằng: “Cơ sở chiến lược cho mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ rất vững chắc và chuyến thăm của ông Modi sẽ không làm tổn hại đến cơ sở đó”. Vài ngày trước khi bay tới Moscow, ông Modi đã bỏ qua hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc và Nga dẫn đầu.
New Delhi dự kiến sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Bộ tứ (Quad) vào cuối năm nay, một quan chức giấu tên Ấn Độ cho hay. Trung Quốc coi Nhóm Bộ tứ gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ là thách thức với sự nổi lên của nước này.
Cũng vào nửa cuối năm nay, thành phố Kazan của Nga sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS. BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, mới đây kết nạp thêm Saudi Arabia, Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ethiopia.
Việc liệu ông Modi có quay lại Nga lần thứ hai trong 3 tháng hay không có thể cho thấy Ấn Độ sẵn sàng thử thách quan hệ với Mỹ ở mức độ nào. Hiện nay, theo nhà phân tích Seema Sirohi tại Washington, Ấn Độ và Mỹ hiểu họ cần nhau đến mức sẽ không mạo hiểm phá hủy quan hệ đối tác này.
“New Delhi và Washington sẽ hiểu được sức ép của nhau. Và mối quan hệ rộng hơn giữa Mỹ và Ấn Độ quá quan trọng để có thể bị chệch hướng bởi một cú va chạm tốc độ”, bà Sirohi nói
Nguồn: Vov.vn