Chính phủ Ấn Độ hôm nay (6/8) đã triệu tập một cuộc họp bao gồm đại diện tất cả các đảng phái để thông tin về tình hình bất ổn ở nước láng giềng Bangladesh. Trong đó, nội bộ Ấn Độ không loại trừ khả năng can thiệp nếu tình hình Bangladesh tiếp tục xấu đi.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar đã báo cáo tóm tắt về những diễn biến chính trị, an ninh đang diễn ra tại Bangladesh, đồng thời bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự đồng thuận mà nội bộ Ấn Độ đạt được xung quanh quan hệ với nước láng giềng.
Ông Jaishankar đã nhấn mạnh những nguy cơ tiềm tàng đối với Ấn Độ do ảnh hưởng từ tình hình Bangladesh. Cuộc họp cũng đã thảo luận về các chiến lược của New Delhi trong trường hợp có sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình Bangladesh. Ông khẳng định rằng Ấn Độ đã chuẩn bị tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết nếu tình hình ở quốc gia láng giềng trở nên tồi tệ hơn nữa.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng thông báo tình hình hiện tại ở khu vực biên giới Ấn Độ- Bangladesh là ổn định và không có dấu hiệu đáng lo ngại. Ấn Độ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình tại Bangladesh, đồng thời lực lượng quân đội được đặt trong trạng thái cảnh giác cao độ. Theo ông Jaishankar, Ấn Độ cam kết hỗ trợ cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina và chính phủ của bà, sẵn sàng dành đủ thời gian cần thiết để xác định hướng đi trong tương lai. Chính phủ Ấn Độ cũng đã liên hệ với quân đội Bangladesh và sẽ có những hành động trong thời điểm thích hợp.
Một ưu tiên khác của Ấn Độ là đảm bảo an toàn cho khoảng 20.000 công dân nước này đang sinh sống, làm việc tại Bangladesh, bao gồm 8.000 sinh viên đang học tập tại đây. Phần lớn sinh viên đã trở về nước; trong khi có khoảng 12.000 người khác, bao gồm các chuyên gia, vẫn đang ở Bangladesh.
Trong cuộc họp, lãnh đạo phe đối lập tại Hạ viện Ấn Độ Rahul Gandhi đã đặt câu hỏi về chiến lược dài hạn và ngắn hạn của Ấn Độ và khả năng có sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài đối với tình hình bất ổn chính trị tại Bangladesh. Chính quyền Ấn Độ khẳng định, mọi khía cạnh đều đang được đánh giá một cách kỹ lưỡng.
Bangladesh hiện đang trải qua một giai đoạn chính trị bất ổn, với việc Thủ tướng Hasina từ chức sau làn sóng biểu tình ngày càng gia tăng. Những cuộc biểu tình này, chủ yếu do sinh viên phát động, yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch trong việc tuyển dụng công chức và đã leo thang thành các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Phong trào Sinh viên đề cử người đứng đầu chính phủ lâm thời
“Phong trào Sinh viên chống Phân biệt đối xử” tại Bangladesh vừa đề cử Tiến sĩ Muhammad Yunus, người từng đoạt giải Nobel, cho vị trí đứng đầu chính phủ lâm thời tại nước này nhằm giải quyết tình hình căng thẳng đang diễn ra.
Thông điệp này được những người đứng đầu “Phong trào Sinh viên chống Phân biệt đối xử” là Nahid Islam, Asif Mahmud và Abu Bakar Mazumda đưa ra sáng nay (6/8).
Trước đó, phong trào sinh viên biểu tình tuyên bố sẽ đưa ra kế hoạch thành lập một chính phủ lâm thời tại Bangladesh trong vòng 24 giờ tới. Tuy nhiên, do tình hình bất ổn và bạo lực gia tăng, những người đứng đầu phong trào này đã quyết định công bố quan điểm của mình sớm hơn dự kiến. Động thái diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước.
Điều phối viên của “Phong trào Sinh viên chống Phân biệt đối xử”, Nahid Islam đã kêu gọi các sinh viên tiếp tục biểu tình một cách ôn hòa cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo an ninh trật tự tại Bangladesh.
Ngay trong đêm qua, Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã tổ chức một cuộc họp khẩn tại Phủ Tổng thống. Cuộc họp có sự tham gia của các chỉ huy lực lượng Lục quân, Hải quân và Không quân, các nhà lãnh đạo chính trị và đại diện các tổ chức xã hội dân sự, nhằm thảo luận về các biện pháp giải quyết tình trạng hỗn loạn đang diễn ra. Tổng thống Bangladesh cũng đã đồng ý thành lập một chính phủ lâm thời để quản lý đất nước trong giai đoạn khủng hoảng này. Quân đội Bangladesh được giao nhiệm vụ ngăn chặn bạo loạn và đảm bảo thực thi pháp luật.
Trong khi đó, Tổng thư ký Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP), Mirza Fakhrul Islam Alamgir, đã thông báo rằng Tarique Rahman, quyền chủ tịch đảng, sẽ sớm trở về Bangladesh. Ông Tarique Rahman trước đó đã kêu gọi người dân Bangladesh, bao gồm các đảng phái chính trị, sinh viên và công chúng, giữ bình tĩnh và cùng hợp tác để ổn định tình hình tại quốc gia này.
Tình hình an ninh tại Bangladesh vẫn diễn biến xấu trong 24 giờ qua. Ít nhất 135 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình với các thành viên của đảng Liên đoàn Awami cầm quyền và cảnh sát.
Nguồn: Vov.vn