Bóng đen bạo lực chính trị bao trùm nước Mỹ sau vụ ám sát ông Trump

Bóng đen bạo lực chính trị lại một lần nữa bao trùm chính trường Mỹ sau vụ ám sát ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump.

Động cơ của nghi phạm nổ súng vào cựu Tổng thống Donald Trump ở Pennsylvania hôm 13/7 hiện vẫn chưa rõ, nhưng vụ việc xảy ra vào thời điểm bất đồng chính trị và sự chia rẽ đang bao trùm nước Mỹ.

Các vụ tấn công nhắm vào các thành viên đảng Cộng hòa, Dân chủ, cả những người bảo thủ và những người theo chủ nghĩa tự do dường như đang xảy ra với tần suất ngày càng thường xuyên hơn.

bong den bao luc chinh tri bao trum nuoc my sau vu am sat ong trump hinh anh 1
Ông Trump giơ nắm đấm lên không trung và tiếp tục nói với đám đông “chiến đấu, chiến đấu”, khi ông được các mật vụ sơ tán khỏi sân khấu sau vụ nổ súng ở Pennsylvania hôm 13/7/2024. Ảnh: AP

Năm 2022, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phá âm mưu ám sát các thẩm phán bảo thủ của Tòa án Tối cao.

Cũng vào năm 2022, chồng của Chủ tịch Hạ viện khi đó, Nancy Pelosi, bị một kẻ cầm búa tấn công tại nhà riêng của họ ở San Francisco.

Tháng 1/2021, một đám đông bạo lực xông vào Điện Capitol, làm gián đoạn quá trình xác nhận chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden.

Một nhóm âm mưu bắt cóc Thống đốc Michigan, Gretchen Whitmer, thành viên đảng Dân chủ vào năm 2020, đã bị kết án về tội khủng bố.

Năm 2017, buổi tập bóng chày của các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Alexandria, Virginia, đã bị một tay súng tấn công. Steve Scalise, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện khi đó, bị thương nặng.

Những sự việc kể trên bao gồm cả những âm mưu có tổ chức và những hành động đơn độc, nhưng tất cả đều cho thấy sự phân cực tới mức “tuyệt vọng và khó chữa”.

Đổ lỗi hay kêu gọi đoàn kết?

Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa sẽ diễn ra từ ngày 15-18/7 tại Milwaukee. Liệu ông Trump sẽ sử dụng vụ nổ súng để đổ lỗi cho đối thủ và kêu gọi sự ủng hộ của cử tri hay cựu tổng thống sẽ kêu gọi bình tĩnh và đoàn kết?

Theo Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty phân tích rủi ro chính trị Eurasia Group, người Mỹ có thể coi vụ nổ súng này giống như vụ khủng bố 11/9/2001 và giờ là lúc để đoàn kết. Nhưng bên cạnh đó, còn có một xu hướng khác đáng sợ hơn.

“Tôi e là nó sẽ giống sự việc ngày 6/1/2021 hơn và nhiều người sẽ ‘vũ khí hóa’ những gì vừa xảy ra. Nước Mỹ sẽ vì thế mà tiếp tục chia rẽ”, ông Bremmer nói với CNN.

Giữa vòng bảo vệ của các mật vụ sau vụ nổ súng, ông Trump giơ nắm đấm lên không trung và tiếp tục nói với đám đông “chiến đấu, chiến đấu”.

Ông Steve Scalise, hiện là lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, đã đổ lỗi cho những bình luận mà theo ông là “thúc đẩy sự cuồng loạn rằng việc ông Trump tái đắc cử sẽ là dấu chấm hết cho nền dân chủ ở Mỹ”.

“Rõ ràng là trước đây chúng ta đã từng thấy những kẻ mất trí cực tả hành động theo những lời lẽ bạo lực. Những lời lẽ mang tính kích động như vậy phải dừng lại”, ông nhấn mạnh.

Trước khi danh tính của nghi phạm xả súng được công bố, Thượng nghị sĩ JD Vance, một trong những đối tác tranh cử tiềm năng của ông Trump, đã đổ lỗi cho phe chính trị đối lập và đặc biệt là những bình luận quá khích từ chiến dịch ông Biden.

“Tiền đề trung tâm trong chiến dịch của ông Biden là cựu Tổng thống Donald Trump là một kẻ phát xít, độc tài và ônng Trump phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Những lời lẽ như vậy đã trực tiếp dẫn đến âm mưu ám sát ông Trump”, Thượng nghị sĩ Vance viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).

Trong chương trình “Meet the Press” của NBC, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (đảng Cộng hòa), nói rằng việc ông Trump đắc cử sẽ không khiến đất nước Mỹ sụp đổ.

“Việc ông Trump đắc cử không phải là dấu chấm hết cho nền dân chủ. Ông ấy không phải là một kẻ phát xít. Ông ấy đại diện cho một quan điểm được hàng triệu người ủng hộ”, Thượng nghị sĩ Graham nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ron Johnson cho rằng “mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ là chúng ta đang bị chia rẽ khủng khiếp”. Theo ông, người Mỹ cần dành ít thời gian hơn cho mạng xã hội – nơi mà sự chia rẽ ngày càng gia tăng, và dành nhiều thời gian hơn cho cộng đồng của mình để tập trung vào những điều đoàn kết.

Khi mức độ nghiêm trọng của sự việc giảm xuống vào tối 13/7, những bình luận quá khích đã lắng xuống và thay vào đó là những bình luận từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa lên án bạo lực chính trị và kêu gọi “hạ nhiệt” mọi việc.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth, ông Trump đã kêu gọi đoàn kết. “Trong thời điểm như thế này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải đoàn kết và thể hiện bản chất thực sự của người Mỹ, luôn mạnh mẽ và kiên quyết, không cho phép cái ác chiến thắng”.

Tổng thống Joe Biden gọi cuộc tấn công nhằm vào ông Trump là “căn bệnh”, trong khi các cố vấn của ông tạm dừng quảng cáo trên truyền hình và thay đổi lịch trình các sự kiện vận động tranh cử.

Phát biểu từ Phòng Bầu dục ngày 14/7, Tổng thống Biden kêu gọi người dân Mỹ hãy hạ nhiệt độ chính trị. Ông cho biết, vụ nổ súng vào ông Trump là lời nhắc nhở “tất cả chúng ta cần lùi lại một bước”.

“Chúng ta không được phép bình thường hóa bạo lực. Ngôn từ chính trị trong đất nước này đã trở nên rất nóng. Đã đến lúc hạ nhiệt. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc này”, ông Biden nói.

Chu kỳ bạo lực chính trị đang quay trở lại

Nhà sử học về tổng thống, Tim Naftali, cho biết nước Mỹ đã từng chứng kiến những chu kỳ bạo lực chống lại các ứng cử viên tổng thống và nó thường xảy ra vào những thời điểm xã hội thay đổi, như các vụ việc năm 1968 nhằm vào ông Robert F. Kennedy và Marin Luther King Jr. Ông cho rằng bạo lực chính trị “đã ăn vào tận xương tủy” của nước Mỹ.

“Tất nhiên, những kẻ tấn công chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng những người đó là sản phẩm của chủ nghĩa cực đoan. Sự tức giận và hận thù đôi khi tràn ngập trong các cuộc bầu cử của chúng ta”, ông Naftali nói.

Nghi phạm vụ nổ súng được FBI xác định là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi.

Crooks đã đăng ký bỏ phiếu với tư cách là thành viên đảng Cộng hòa và cuộc bầu cử năm nay sẽ là lần đầu tiên Crooks đủ tuổi đi bỏ phiếu. Nhưng theo hồ sơ công khai, người này từng quyên góp 15 USD cho Dự án cử tri Tiến bộ đi bỏ phiếu, một tổ chức cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ.

FBI tin rằng, nghi phạm Crooks hành động một mình khi thực hiện âm mưu ám sát cựu Tổng thống Donald Trump ở Butler nhưng vẫn đang điều tra.

“Chúng tôi đang điều tra theo hướng một vụ ám sát nhưng cũng xem đây có thể là hành động khủng bố nội địa. Bộ phận chống khủng bố và bộ phận tội phạm của chúng tôi đang hợp tác để xác định động cơ”, ông Robert Wells, trợ lý giám đốc Ban Chống khủng bố của FBI, cho biêt.

Trong những năm gần đây, FBI đã cảnh báo về mối đe dọa khủng bố do những kẻ bạo lực cực đoan trong nước gây ra trong những năm gần đây.

Tháng 12/2023, Giám đốc FBI Christopher Wray từng nói rằng, mối đe dọa từ những kẻ tấn công đơn độc đang là mối đe dọa hàng đầu bên trong nước Mỹ.

Không phải tất cả các cuộc tấn công nhằm vào các chính trị gia đều có động cơ chính trị.

John Hinckley có tinh thần không ổn định và muốn trở nên nổi tiếng để gây ấn tượng với một nữ diễn viên Hollywood khi hắn tìm cách ám sát Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1981.

Nhưng chuỗi bạo lực gần đây rơi vào giai đoạn nước Mỹ bao trùm bởi sự giận dữ và chia rẽ.

Nhà thăm dò dư luận của đảng Cộng hòa, Kristen Soltis Anderson, nói rằng người Mỹ nói chung đang tức giận và thất vọng.

“Những dữ liệu mà tôi xem xét gần đây đều cho thấy, người Mỹ ngày càng tức giận hơn về những gì đang diễn ra ở đất nước này, họ ngày càng thất vọng hơn và nghĩ rằng giải quyết vấn đề theo cách truyền thống không còn hiệu quả nữa”, bà Anderson nói.

Nguồn: Vov.vn