Việc cố thủ ở Krynky khiến Ukraine tổn thất về nhân lực. Các binh lính Ukraine cho biết họ bị mắc kẹt nhiều ngày trong vùng đất bùn lầy này mà hầu như không có sự bảo vệ trước các cuộc tấn công của Nga bằng pháo và UAV.
Giao tranh ác liệt
Tối 17/7, các lực lượng của Kiev cho biết, giao tranh tiếp diễn ở bờ Đông nhưng hầu hết các vị trí ở làng Krynky, nơi quân đội Ukraine từng giành được chỗ đứng, “đã bị phá hủy bởi hỏa lực dữ dội và kéo dài của đối phương”. Tuyên bố được đưa ra sau khi một số hãng truyền thông Ukraine đưa tin, các lực lượng của Kiev đã rút khỏi ngôi làng, giờ chỉ còn là những đống đổ nát.
Chiến dịch của Ukraine nhằm thiết lập một đầu cầu ở bờ Đông sông Dnipro do Nga kiểm soát ngay từ đầu đã gây tranh cãi. Được tiến hành vào mùa thu năm ngoái, đây được coi là nỗ lực nhằm mở một mặt trận mới ở phía Nam để làm gián đoạn chuỗi hậu cần của Moscow và hạn chế các lực lượng của Nga trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cảnh báo, chiến dịch này, trong đó có những chuyến vượt sông nguy hiểm, vô cùng dễ tổn thương về mặt hậu cần cũng như không thể đưa đến những đột phá nhanh chóng.
Những thành quả của Ukraine chỉ hạn chế tại những vùng đất nhỏ gần sông, trong đó Krynky là thành quả đáng chú ý nhất.
Giữa bối cảnh giao tranh nhằm bảo vệ vị trí này đã kéo dài nhiều tháng, các binh lính Ukraine tham gia chiến dịch phàn nàn rằng đây là một cuộc giao tranh khốc liệt và vô nghĩa. Các binh lính vượt sông trên những con thuyền dễ trở thành mục tiêu cho các UAV và súng cối của Nga. Khi họ đặt chân lên bờ Đông, họ không có nơi nào để ẩn náu bởi khu vực này chỉ còn là vũng bùn lầy lớn với những ngôi nhà bị san phẳng.
“Từ khía cạnh quân sự, tôi thấy khó có thể tìm ra lý do nào cho chiến dịch này. Cho dù mục tiêu ban đầu của chiến dịch là gì thì hầu như chúng đều khó thực hiện”, Emil Kastehelmi, nhà phân tích quân sự thuộc nhóm Black Bird Group có trụ sở tại Phần Lan nhận định.
Cái giá của Ukraine
Sông Dnipro ngăn cách hai lực lượng ở phía Nam. Ukraine kiểm soát bờ Tây từ mùa thu năm 2022 sau một cuộc phản công thành công đẩy lùi quân đội Nga khỏi thành phố Kherson.
Các cuộc tấn công của Ukraine vào bờ Đông bắt đầu một năm sau đó. Ban đầu chúng được tiến hành bí mật với những nhóm nhỏ binh lính quấy rối các lực lượng Nga bằng những cuộc đột kích vào ban đêm, sử dụng những con thuyền nhỏ di chuyển tới các vị trí khác nhau dọc dòng sông nhiều khúc quanh.
Các quan chức vẫn im lặng về cuộc giao tranh ác liệt này cho tới tháng 11 năm ngoái thì họ thông báo rằng quân đội Ukraine đã chiếm được một vùng đất nằm ở bờ sông phía Nga kiểm soát, trong đó có Krynky. Một trong những mục tiêu của chiến dịch dường như là kéo các lực lượng của Nga tới khu vực này và ngăn họ triển khai quân đội tới các khu vực khác trên tiền tuyến, chẳng hạn như ở phía Đông.
Oleksandr Kovalenko, một nhà phân tích quân sự Ukraine cho biết, Nga đã tập trung hàng chục nghìn binh lính trong khu vực để đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine.
“Hãy hình dung nguồn lực 30.000 – 40.000 binh lính này đã xuất hiện ở khu vực Belgorod, bổ sung cho các nhóm quân ở phía Bắc”, ông Kovalenko nói, dường như đang nhắc đến cuộc tấn công gần đây của Nga ở phía Đông Bắc Ukraine.
“Liệu Nga có thể chiếm hoàn toàn Vovchansk và Lyptsi không? Câu trả lời là có”.
Vovchansk và Lyptsi là hai thị trấn ở phía Bắc, những nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt nhưng Nga chưa thể kiểm soát chúng.
Tuy nhiên, việc cố thủ ở Krynky cũng khiến Ukraine tổn thất về nhân lực. Các binh lính Ukraine cho biết họ bị mắc kẹt nhiều ngày trong vùng đất bùn lầy này mà hầu như không có sự bảo vệ trước các cuộc tấn công của Nga bằng pháo và UAV.
Một bài báo được xuất bản ngày 17/7 bởi Slidstvo Info – một hãng tin điều tra của Ukraine ghi nhận, ít nhất 1.000 binh lính Ukraine đã tử trận ở bờ Đông hoặc đang mất tích. Con số này không thể xác minh độc lập.
Vào mùa đông, với thương vong tăng lên và Ukraine không thể mở rộng sự hiện diện ở bờ Đông, ông Kastehelmi thuộc nhóm Black Bird Group cho biết chiến dịch này “mang động cơ chính trị nhiều hơn” với mục tiêu cho thấy Ukraine vẫn có thể tiến hành tấn công giữa bối cảnh sự nghi ngờ ngày càng gia tăng giữa các nước phương Tây về khả năng giành chiến thắng của Kiev.
Ông Kastehelmi nhận định, Ukraine không có nguồn lực để duy trì một cuộc xung đột tiêu hao trong nhiều tháng.
“Sẽ là hợp lý khi đặt ra câu hỏi rằng liệu chiến dịch có nên kết thúc nhanh hơn không và liệu các lữ đoàn của Ukraine có được sử dụng tốt hơn ở các khu vực khác hay không”.
Chiến lược “cong chứ không gãy”
Trong khi đó, tại khu vực Donetsk ở phía Đông, quân đội Ukraine đã rút khỏi làng Urozhaine – từ bỏ một vị trí nữa trên tiền tuyến giữa bối cảnh các lực lượng của Nga tấn công như vũ bão vào phòng tuyến của Kiev.
Nga đã triển khai hỏa lực dữ dội khi tiến hành cuộc tấn công mùa hè nhằm vào các thị trấn và ngôi làng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine. Các nhà phân tích nhận định, bất chấp việc kiên cường bám trụ, các lực lượng của Kiev đang phải rút lui khỏi một số vị trí dọc tiến tuyền khi đối phương có quân số lớn hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn.
Hỏa lực của Ukraine đã được cải thiện từ khi Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ quân sự bị trì hoãn từ lâu vào mùa xuân này nhưng nó chưa thể đến tiền tuyến một cách nhanh chóng nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của Nga, đặc biệt là ở Donetsk.
Kiev đã triển khai chiến lược “cong chứ không gãy” (ám chỉ việc thà nhượng bộ một chút còn hơn bị đánh bại) nhằm câu giờ cho tới khi có thể nhận được nhiều vũ khí và đạn dược hơn từ phương Tây. Bằng cách nhượng bộ một số vùng lãnh thổ, Ukraine có thể giao tranh từ những vị trí được bảo vệ tốt hơn, các quan chức quân sự và các nhà phân tích cho hay.
Nguồn: Vov.vn