Năm học 2023-2024, TP. Cần Thơ có trên 17.400 học sinh lớp 9. Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thành phố còn gần 2.000 em phải chọn ngã rẽ khác khi không đậu. Nhằm chia sẻ nỗi lo cho các em, bên cạnh những trung tâm GDNN-GDTX, Cần Thơ cũng chào đón sự thành lập của nhiều trường trung cấp, cao đẳng mở lớp vừa học văn hóa, vừa học nghề cho các em học sinh tiếp tục học sau khi tốt nghiệp THCS
Thành lập từ năm 2014, đến nay Trường Trung cấp Ngoại thương luôn được đánh giá là một trong những trường uy tín thuộc Hệ thống Giáo dục đa ngành đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và liên kết đào tạo trình độ đại học, sau đại học (NTG); là môi trường năng động, sáng tạo vượt trội đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 10.000 học sinh – sinh viên mỗi năm. Năm học 2024-2025, Trường Trung cấp Ngoại thương đã ra mắt địa điểm đào tạo tại TP. Cần Thơ; trao Giấy Chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam (liên kết với Trường Trung cấp Ngoại thương tại thành phố Cần Thơ.
Theo ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Cần Thơ, công tác đào tạo nguồn nhân lực được Cần Thơ quan tâm, thời gian qua, thành phố cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo và người lao động. Đặc biệt, Cần Thơ triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn: “Đến thời điểm hiện nay trên địa bàn Cần Thơ có trên 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 13 trường Cao đẳng, 19 trường trung cấp đang hoạt động đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Và hôm nay, Sở trao giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho Trường Trung cấp Ngoại thương về việc đào tạo tại TP. Cần Thơ chúng tôi với tinh thần trách nhiệm của mình sẽ tạo mọi điều kiện để trường hoạt động tại Cần Thơ theo đúng quy định của pháp luật”.
Những năm qua, Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ đã chỉ đạo các Phòng GD-ĐT tổ chức, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phối hợp trường trung cấp, cao đẳng tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 về các ngành nghề, cơ hội việc làm sau khi học nghề để có định hướng, lựa chọn phù hợp sau tốt nghiệp THCS. Từ việc phân luồng hiệu quả, nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TP. Cần Thơ được đầu tư nguồn lực, để thu hút thí sinh. Riêng trường Trung cấp Ngoại thương đảm bảo tiên phong trong việc xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, với Giấy Chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp của trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam (liên kết với Trường Trung cấp Ngoại thương tại Cần Thơ), ngành giáo dục Cần Thơ chính thức có cơ sở giáo dục chú trọng đào tạo hệ chính quy cho học sinh (hệ đào tạo 9+) theo Nghị định số 81 năm 2021 và Nghị định số 97 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 năm 2021.
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, việc Trường Trung cấp Ngoại thương đặt cơ sở tại TP. Cần Thơ chính là bước ngoặt quan trọng để gỡ khó trong công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS cho Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung. Trong chiến lược giáo dục nghề nghiệp, chúng ta hướng đến xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, do vậy, việc trường Trung cấp Ngoại thương, trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam cũng như hệ thống các trường giáo dục hướng nghiệp được hình thành sẽ đảm bảo cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.
Ông Đào Trọng Độ đề nghị: “Ngoài việc chúng ta thực hiện có địa điểm, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động Giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi cũng mong muốn hệ thống cũng như Trường Trung cấp Ngoại thương Việt Nam và trường liên kết trong thời gian tới đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo khi mà chúng ta mở cơ sở liên kết trên địa bàn; Thường xuyên cập nhật nâng cao chương trình, giáo trình đào tạo; thường xuyên trau dồi, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ giảng dạy. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động; đặc biệt, thực hiện đúng các quy định Luật giáo dục nghề nghiệp, các văn bản hướng dẫn, các quy định của địa phương trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”.
Với mục tiêu “Phấn đấu trước năm 2025 các trường thành viên trong Hệ thống giáo dục NTG phủ kín tất cả các vùng miền trên cả nước”, Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung kỳ vọng ngoài trường Trung cấp Ngoại thương, thời gian tới sẽ có thêm nhiều địa điểm đào tạo uy tín, chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn.
Nguồn: Vov.vn