Nước Anh đã có thủ tướng mới là ông Keir Starmer thay ông Rishi Sunak sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn hôm 4/7. Kết quả này cũng đánh dấu sự trở lại nắm quyền của đảng Lao động (tức Công đảng) sau 14 năm nước Anh có chính phủ thuộc đảng Bảo thủ.
Chiến thắng của Công đảng phản ánh mong muốn mãnh liệt của cử tri Anh về một sự thay đổi trong bối cảnh họ cho rằng nền kinh tế “xứ sở sương mù” đang suy yếu và mất dần vị thế. Nhìn rộng hơn thì xu hướng thay đổi cũng đang diễn ra trên khắp châu Âu.
Nguyên nhân Công đảng thắng lợi vang dội
Chiến thắng của đảng Lao động trong cuộc bầu cử vừa qua ở Anh đến từ nhiều yếu tố. Trước hết, đó là sự bất mãn của người dân với chính phủ đương nhiệm. Kể từ sau sự kiên Brexit, tình hình kinh tế của Vương quốc Anh liên tục gặp khó khăn với những cuộc khủng hoảng về y tế Covid-19 và năng lượng liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine. Cuộc sống của người dân Anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thậm chí không ít người rơi vào cảnh túng quẫn phải cầu cứu chính phủ. Họ chật vật để sinh tồn nhưng sau 3 năm, mọi thứ dường như không được cải thiện. Người dân dần trở nên bất mãn với chính phủ của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Rishi Sunak.
Nhưng sự bất mãn đó mới chỉ là một trong những yếu tố làm nên chiến thắng của Công đảng. Trên thực tế, một trong những lý do chính dẫn đến thất bại của đảng Bảo thủ, đó là việc liên tục để mất đi những cử tri ủng hộ mình.
Nếu như trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm, vào 2019, đảng Bảo thủ do cựu Thủ tướng Boris Johnson dẫn đầu đã có được chiến thắng huy hoàng với thành công trong việc lôi kéo một lượng cử tri mới, trong “Bức tường đỏ” ở miền Trung và miền Bắc nước Anh. Những nhóm dân cư có thành phần tầng lớp lao động mạnh mẽ ở những khu vực phi công nghiệp hóa và đầy khó khăn bị quyến rũ bởi Brexit và khẩu hiệu “leveling up” (tái cân bằng giữa miền Bắc và miền Nam).
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Sunak đang phải đối mặt với sự phản đối từ cả các cử tri cũ và mới. Đầu tiên là các cử tri đến từ “Bức tường đỏ” cùng sự thất vọng về những lời hứa không được thực hiện của chính phủ Boris Johnson. Ảnh hưởng quá mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đã khiến ông Johnson phải sử dụng quỹ “leveling up” để hỗ trợ nền y tế nước nhà và bỏ qua những hứa hẹn của mình. Thế nên, sự sụp đổ của “Bức tường đỏ” được coi là logic.
Ở phía ngược lại, những sự phản đối được ghi nhận bên trong “Bức tường xanh”, khu vực thịnh vượng ở miền Nam nước Anh và xung quanh London, được mệnh danh là cái nôi của đảng Bảo thủ, là tín hiệu báo động. Trong cuộc bầu cử vừa qua, nhiều nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đã thất bại trên chính sân nhà của mình. Kết quả này đến từ việc đảng Bảo thủ liên tiếp ghi nhận những vụ bê bối với tin đồn chia bè kết phái từ sự kiện Brexit, nội bộ không ngừng đấu đá…
Thêm vào đó, chính phủ của ông Sunak cũng gặp thất bại trong việc kiểm soát người nhập cư, một trong những chính sách cốt lõi của phe Bảo thủ. Số lượng nhập cư ròng lên tới 685.000 người vào năm 2023, mức cao thứ hai sau kỷ lục của năm 2022 với 764.000 người. Con số này lớn hơn nhiều những gì ghi nhận trước Brexit.
Với tình hình như vậy, chưa cần nói đến những gì mà Công đảng đã làm được, giới chuyên môn đã hoàn toàn nhận định thất bại thuộc về phe Bảo thủ của Vương quốc Anh.
Thách thức lớn nhất với Công đảng và tân Thủ tướng Anh
Cử tri Anh muốn chính phủ mới sẽ định hình tương lai đất nước trong bối cảnh 75% số người được hỏi đánh giá đất nước đang ở trong tình trạng tệ hơn so với năm 2010 khi đảng Bảo thủ lên nắm quyền.
Chính phủ của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Rishi Sunak đã để lại một Vương quốc Anh với đầy sự khó khăn và đổ vỡ. Các hệ lụy liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng y tế Covid-19, cuộc khủng hoảng năng lượng…vẫn còn hiện hữu.
Ngay cả khi lạm phát được kiểm soát tốt giảm từ đỉnh điểm 11,1% xuống 2%, thì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vẫn đè nặng lên một quốc gia không có hệ thống giảm sốc xã hội mạnh mẽ. Nhiều người dân Anh đã phải gửi thư lên chính phủ yêu cầu được cứu trợ bởi họ không còn khả năng chi trả tiền điện, nước với giá cả tăng chóng mặt. Thậm chí nhiều trẻ em còn buộc phải tạm ngừng học vì gia đình không còn đủ khả năng đóng học phí.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng thường không đạt yêu cầu. Dịch vụ y tế công cộng (NHS), một trong những niềm tự hào của người Anh, hiện trong tình trạng tồi tệ, với hàng triệu người đang chờ khám, chữa bệnh. Chính sách thắt lưng buộc bụng được đưa ra vào năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là nguyên nhân gây ra tình trạng xuống cấp này.
Nếu coi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (4,4%) là sự thành công của chính phủ ông Sunak thì khả năng tăng trưởng trì trệ trong bối cảnh gánh nặng thuế ở mức cao nhất trong 70 năm trở lại đây được coi là sự thất bại. Mặc dù ít được đề cập đến, nhưng các cuộc thăm dò đều cho thấy đại đa số người dân Anh vẫn tỏ ra tiếc nuối về thời huy hoàng của đất nước trước sự kiện Brexit.
Thế nên, thách thức lớn nhất của chính phủ mới tại Anh đó là phải nhanh chóng cải thiện đời sống của người dân bản địa với nhiều gói cứu trợ phân bổ đến các thành phần khác nhau, đồng thời khôi phục chất lượng của các dịch vụ y tế công, tạo lại lòng tin cho người dân. Chính phủ cũng cần xem xét các chính sách giảm thuế và hàn gắn mối quan hệ với Liên minh châu Âu, qua đó đẩy mạnh hợp tác song phương khôi phục hy vọng về tương lai của Anh tại Lục địa già.
Ngoài ra, chính phủ mới cũng cần giải quyết triệt để vấn đề di cư thay vì chỉ đơn giản tuyên bố chấm dứt chương trình Rwanda, cho phép Anh trục xuất những người nhập cư không đủ điều kiện đến một đất nước thứ 3. Vấn đề di cư vẫn luôn là điều lo lắng của người dân Anh trong điều kiện kinh tế khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây thất bại của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử vừa qua. Ông Rishi Sunak đã mất nhiều tiền bạc để có thể triển khai dự án Rwanda. Mặc dù liên tục vấp phải những phản đối trong Quốc hội về vẫn đề pháp lý cũng như nhân quyền nhưng về tổng thể, ông cũng có sự ủng hộ nhất định của người dân Anh.
Nguồn: Vov.vn