Ngày 6/8, chính phủ Anh xác nhận sẽ bãi bỏ Đạo luật “Đình công” (Dịch vụ tối thiểu) áp dụng đối với người lao động tham gia đình công. Đạo luật gây nhiều tranh cãi được cựu Thủ tướng Rishi Sunak ban hành hồi năm ngoái nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế liên quan đến làn sóng đình công.
Phó Thủ tướng Anh Angela Rayner và Bộ trưởng Kinh doanh và thương mại Jonathan Reynolds, ngày 6/8, đã gửi thông điệp đến các bộ của Chính phủ có các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cuộc đình công là Giáo dục, Y tế, Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Năng lượng, cũng như chính quyền xứ Wales và Scotland, để khẳng định Chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer không ủng hộ Đạo luật Dịch vụ tối thiểu được áp dụng đối với người lao động tham gia đình công và sẽ bãi bỏ luật này.
Đầu năm 2023, Vương quốc Anh đã phải đối mặt với làn sóng đình công kéo dài trong nhiều tháng với sự tham gia của hàng trăm nghìn nhân viên y tế cùng các ngành nghề khác liên quan. Người biểu tình cho rằng mức lương của họ không đủ để chi trả các khoản phí tối thiểu trước tình hình lạm phát đang tàn phá nước Anh.
Các cơ sở kinh tế ước tính ngân sách công của Anh phải chịu thiệt hại khoảng 1,7 tỷ bảng Anh (khoảng 2,1 tỷ USD) do không thu được thuế thu nhập cá nhân từ người biểu tình, nhiều lĩnh vực khác cũng rơi vào tình trạng giảm doanh thu và gây ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế nước nhà.
Trước tình hình đó, Chính phủ Bảo thủ của cựu Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã ban hành Đạo luật Dịch vụ tối thiểu vào mùa hè năm 2023 nhằm hạn chế tình trạng “bỏ bê” công việc và đi biểu tình. Người lao động phải hoàn thành một lượng công việc tối thiểu hoặc sẽ buộc phải thôi việc.
Tuy nhiên, phe Công đảng cho rằng các biện pháp này không giải quyết được tình trạng đình công và chỉ làm gia tăng căng thẳng bằng cách hạn chế quyền của người lao động. Thế nên ngay sau khi lên nắm quyền, Chính phủ mới của Thủ tướng Keir Starmer đã ngay lập tức triển khai các biện pháp để xóa bỏ đạo luật gây tranh cãi này.
Đây cũng là một phần của Dự luật Quyền lao động mới, được ông Starmer hứa hẹn sẽ nhanh chóng được công bố trong vòng 100 ngày kể từ khi Đảng Lao động giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 4/7 và chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ.
Bộ trưởng Kinh doanh và thương mại Jonathan Reynolds tin tưởng việc bãi bỏ đạo luật “Đình công” (Dịch vụ tối thiểu) sẽ giúp thiết lập lại mối quan hệ giữa chủ lao động với nhân viên trong ngành y tế, qua đó “chấm dứt tình trạng hỗn loạn và khôi phục niềm tin vào các dịch vụ công”.
Về phần mình, các công đoàn Anh hoan nghênh quyết định mới của Chính phủ và khẳng định động thái này sẽ khuyến khích các cuộc đàm phán giữa chủ lao động và người lao động, tạo tiền đề cho sự hợp tác lâu dài giữa đôi bên.
Nguồn: Vov.vn