Chuyên gia hoài nghi về khả năng Ukraine giành lại bán đảo Crimea

Để giành quyền kiểm soát bán đảo Crimea, Ukraine sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức lớn như vô hiệu hóa hạm đội Biển Đen của Nga, thiết lập ưu thế trên không và phá hủy tất cả các trụ sở chính của Nga ở bên trong hoặc gần Crimea.

Kế hoạch tham vọng của Ukraine nhằm giành lại Crimea

Giữa những suy đoán cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đang rơi vào bế tắc, ngày 24/7, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Syrsky tiết lộ, mục tiêu của nước này là tiếp tục giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ của Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea, khôi phục đường biên giới năm 1991.

chuyen gia hoai nghi ve kha nang ukraine gianh lai ban dao crimea hinh anh 1
Cây cầu Crimea thời gian qua nhiều lần bị tấn công. Ảnh: Reuters

“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để khôi phục đường biên giới được quốc tế công nhận vào năm 1991. Chúng tôi phải giành chiến thắng để giải phóng người dân tại các vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng”, ông Syrsky nêu rõ.

Theo ông Syrsky, Ukraine đã thành công trong việc tấn công các mục tiêu ở Crimea, buộc Nga phải rút các tàu khỏi cảng Sevastopol. Tuy nhiên, quan chức này từ chối bình luận về thời điểm Ukraine có thể phá hủy cây cầu Kerch nối lãnh thổ Nga với Crimea, vốn là tuyến hậu cần quan trọng của Moscow. Ông Syrsky nói rằng, Ukraine có kế hoạch khả thi để giành lại Crimea xong không tiết lộ thông tin chi tiết. “Đây là điều thực tế. Tất nhiên, đây cũng là một bí mật quân sự lớn”, ông Syrsky nêu rõ.

Nói về khả năng Ukraine giành lại Crimea, nhà phân tích Dov S.Zakheim – cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã bày tỏ sự hoài nghi. Ông cho rằng, Ukraine khó có thể đạt được bước đột phá lớn như vậy, trong khi vẫn sa lầy vào cuộc xung đột kiểu Thế chiến thứ nhất, bất chấp việc sử dụng các loại vũ khí và công nghệ mới, chẳng hạn như máy bay không người lái. Để kiểm soát bán đảo này, Ukraine sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức lớn như vô hiệu hóa hạm đội Biển Đen của Nga, thiết lập ưu thế trên không và phá hủy tất cả các trụ sở chính của Nga ở bên trong hoặc gần Crimea.

Theo ông Dov S.Zakheim, Ukraine dường như mới chỉ tiến tới việc thực hiện điều kiện đầu tiên trong số 3 điều kiện này đó là tìm cách vô hiệu hóa hạm đội Biển Đen của Nga.

Trong khi bế tắc và thiệt hại nặng nề trên bộ, Ukraine đã đầu tư mạnh cho cuộc chiến bất đối xứng trên biển, gây nhiều khó khăn cho hải quân Nga tại Biển Đen và bán đảo Crimea.

Khi cuộc xung đột mới bắt đầu, Ukraine đã phải đánh đắm tàu chiến duy nhất của nước này – tàu khu trục từ thời Liên Xô ở cảng Mykolaiv để ngăn nó rơi vào tay Nga. Không bị cản trở trên biển, hải quân Nga đã trút tên lửa đạn đạo xuống các thành phố của Ukraine, bảo vệ máy bay quân sự, phong tỏa các cảng của Ukraine, thậm chí có ý định tiến hành cuộc tấn công đổ bộ vào cảng lớn nhất của Ukraine là Odessa.

Nhưng sau đó, bằng cách triển khai một loạt chiến thuật và vũ khí mới trong cuộc chiến trên Biển Đen, Ukraine đã buộc Nga phải rút tàu thuyền khỏi căn cứ Sevastopol ở Crimea khi liên tục tấn công các tàu và các tòa nhà quan trọng bằng máy bay không người lái và tên lửa. Kiev cũng tuyên bố đã phá hủy 1/3 Hạm đội Biển Đen của Nga sau các cuộc tấn công.

Một số báo cáo cho biết, Nga đã di dời hầu hết tàu chiến chủ lực từ căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen đến vùng Novorossiysk và Biển Azov. Ngoài việc buộc hạm đội của Nga phải rút lui, các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea cũng làm suy yếu đáng kể mạng lưới hậu cần vốn đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp tế cho quân đội Nga ở miền Nam Ukraine

Nhà phân tích Dov S.Zakheim cho rằng, với việc Ukraine sử dụng thành công máy bay không người lái trên đất liền và xuồng không người lái chứa chất nổ để vô hiệu hóa nhiều tàu mặt nước của Nga, khó có khả năng Nga sẽ huy động những con tàu còn lại từ nơi trú ẩn mới làm nhiệu vụ chính trong việc bảo vệ Crimea.  

Ukraine trông chờ F-16

Dù có được ưu thế trên biển, nhưng khả năng của Ukraine nhằm kiểm soát vùng trời Crimea và loại bỏ các căn cứ không quân cũng như cơ sở hạ tầng của Nga lại khá hạn chế, ông Dov S.Zakheim lưu ý. Liệu điều này có thể thay đổi khi Ukraine tiếp nhận tiêm kích F-16?

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo rằng, Ukraine sẽ bắt đầu tiếp nhận máy bay chiến đấu F-16 vào cuối mùa hè này. Trong đó, Hà Lan, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch sẽ chuyển giao khoảng 80 máy bay cho Kiev. Hy Lạp đang chuẩn bị ngừng hoạt động 32 chiếc F-16 cũ và chuyển chúng sang Mỹ. Tại đây, chúng sẽ được nâng cấp và gửi tới Ukraine.

F-16 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ không phận Ukraine, đặc biệt có thể đối đầu với các máy bay chiến đấu của Nga ở bán đảo Crimea. Ngoài ra, nó cũng có khả năng không đối đất mạnh mẽ. Không quân Mỹ cho biết: “F-16 đã chứng tỏ được khả năng trong chiến đấu không đối không và không đối đất. Trong vai trò không đối đất, F-16 có thể bay hơn 860km có thể phóng vũ khí với độ chính xác vượt trội, tự vệ trước máy bay đối phương và quay lại điểm xuất phát”.

Dù Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine, nhưng việc đào tạo và huấn luyện phi công Ukraine điều khiển chiến đấu cơ này vẫn rất chậm chạp. Chưa kể, Nhà Trắng cũng không đưa ra phản hồi tích cực trước yêu cầu của Ukraine về chuyển giao tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS tầm xa và cung cấp  thêm nhiều hệ thống phòng không hơn.

Theo nhà phân tích Dov S.Zakheim, chính quyền Tổng thống Biden dường như không muốn Ukraine sử dụng F-16 trong vai trò không đối đất tầm xa. Ngoài ra, vẫn chưa rõ Mỹ và đồng minh có đào tạo đủ số lượng phi công Ukraine cho sứ mệnh này không. Nếu Kiev được cung cấp tên lửa ATACMS và tiếp nhận thêm nhiều hệ thống phòng không hơn, họ có thể có đủ khả năng phá hủy phần lớn các căn cứ không quân, cơ sở hạ tầng và đường tiếp tế của Nga đến và đi từ Crimea.

Một số báo cáo gần đây chỉ ra rằng, các cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng và tuyến đường tiếp tế này đang gây tổn thất lớn cho Nga. Các lực lượng Ukraine đã chứng tỏ khả năng đánh chặn một cách có hệ thống các tên lửa phòng không và trạm radar của Nga nằm gần Kharkov. Điều này đặt nền tảng cho việc vận hành những chiếc F-16 một khi họ tiếp nhận chúng.

Nếu Ukraine được cung cấp đủ điều kiện để làm điều tương tự ở Crimea, từ đó cho phép tiêm kích F-16 làm chủ không phận thì các lực lượng nước này có thể dễ dàng tiến sâu vào bên trong. Việc giành quyền kiểm soát Crimea sẽ giúp Ukraine có đòn bẩy đủ mạnh để buộc Nga tiến tới bàn đàm phán. Nhưng đây vẫn chỉ là tình huống giả định cho đến khi Mỹ và các đồng minh đáp ứng hầu hết hoặc toàn bộ nhu cầu quân sự của Ukraine, nhà phân tích Dov S.Zakheim nhận định. Theo ông Zakheim, việc Mỹ và NATO tiếp tục chuyển giao thêm nhiều vũ khí tối tân cho Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột diễn biến phức tạp hơn và khó có hồi kết.

Nguồn: Vov.vn