Trong tuần này, ông Donald Trump và bà Kamala Harris đã chính thức bắt đầu khai chiến trên mặt trận quảng cáo. Các nhà phân tích nhận định, cách thức phó Tổng thống tự định nghĩa mình trước cử tri sẽ trở thành tấm vé đưa bà vào Nhà Trắng.
Cuộc chiến quảng cáo khai màn
Hôm 30/7, đội ngũ vận động của ông Trump đã chính thức tung ra chiến dịch quảng cáo lớn đầu tiên nhắm vào bà Harris, tập trung công kích cách thức Phó Tổng thống xử lý vấn đề nhập cư. Nhiều nhà phân tích cho rằng, cựu Tổng thống vẫn chưa từ bỏ phương pháp tấn công truyền thống của đảng Cộng hòa, vốn từng được áp dụng với ông Biden trước khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố ngừng tranh cử.
Đảng Cộng hòa nhanh chóng chỉ ra rằng, Phó Tổng thống đã thất bại trong nhiệm vụ giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng nhập cư. Những hình ảnh trong quảng cáo của ông Trump đều được trích từ một cuộc phỏng vấn của đài NBC năm 2021, trong đó bà Harris thừa nhận chưa bao giờ tới biên giới Mỹ-Mexico. Đoạn tiếp theo trong video ghi lại cảnh nhảy múa của bà Harris tại một sự kiện, ám chỉ rằng Phó Tổng thống đã “không làm việc đến nơi đến chốn” và phải chịu trách nhiệm cho số lượng người di cư kỷ lục đến biên giới trong suốt 3 năm qua.
Ngay sau đó, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của Harris, ông Ammar Moussa, lên tiếng phản bác, cho rằng ông Trump đang “chạy đua dựa trên những lời nói dối”, đồng thời tiết lộ cựu Tổng thống đã phản đối một thỏa thuận biên giới của quốc hội vốn có thể giúp ích cho việc thực thi.
Hồi năm 2021 – thời điểm có nhiều trẻ em di cư sang Mỹ nhưng không có người đi kèm, ông Biden đã giao cho phó tướng của mình nhiệm vụ giám sát các nỗ lực ngoại giao ở Trung Mỹ. Trong khi bà Harris tập trung vào các giải pháp lâu dài, Bộ An ninh Nội địa vẫn chịu trách nhiệm chính cho vấn đề nhập cư tại khu vực này.
Khi chiến dịch tranh cử của phó Tổng thống đang dần thành hình và vấn đề nhập cư vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, bà Harris đã có thành công ban đầu ở Trung Mỹ nhờ khoản đầu tư lớn từ khu vực tư nhân.
Bà Harris cũng lập tức công bố một video quảng cáo dài một phút có tựa đề “Fearless”, nêu bật những điểm nổi bật trong sự nghiệp chính trường của mình kể từ khi giữ chức công tố viên tại Bay Area của California. Đây là một phần trong chiến dịch tranh cử mới của bà Harris nhằm huy động thêm 50 triệu USD cho các quỹ bầu của của đảng Dân chủ trước trước thềm Đại hội toàn quốc vào tháng tới, đồng thời đáp trả những tuyên bố từ phía Trump cho rằng bà đã “thất bại” trong công việc.
Video quảng cáo cũng chỉ ra những điểm đối lập giữa bà Harris và đối thủ Trump, đặc biệt trong vấn đề kinh tế vốn được coi là thế mạnh của cựu Tổng thống.
“Ông Donald Trump muốn đưa đất nước chúng ta đi thụt lùi”, tiếng của bà Harris vang lên trong đoạn quảng cáo, “Ông ta giảm thuế cho các tỷ phú và các tập đoàn lớn, nhưng lại chấm dứt Đạo luật Chăm sóc Giá cả (Obamacare) phải chăng dành cho người nghèo. Nhưng dưới thời kỳ của tôi, chúng ta sẽ không làm như vậy”.
Chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Harris, bà Jen O’Malley Dillon đã lưu ý đến bản án trọng tội của cựu Tổng thống vào tháng 5 liên quan đến cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh. Bà Dillon cũng lập luận rằng, bà Harris – với tư cách là cựu công tố viên và cựu tổng chưởng lý California “có đủ khả năng để đối đầu với một kẻ bị kết án”.
Theo dữ liệu từ Ad Impact, đơn vị theo dõi hoạt động mua bán các phương tiện truyền thông, cho đến nay, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã dành khoảng 12,2 triệu USD để chạy quảng cáo trên 6 bang chiến trường – Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin. Trong khi đó, các quảng cáo của bà Harris sẽ được phát sóng rộng rãi trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic, cùng với các chương trình giải trí như “Love & Hip Hop: Atlanta”, “The Bachelorette” và “The Daily Show”. Đây là một nỗ lực tiếp cận các nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi mà chiến dịch của bà Harris đang chú trọng.
Bà Harris có yếu thế trước ông Trump trên mặt trận truyền thông?
Đặt lên bàn cân so sánh, bà Harris có ít kinh nghiệm tranh cử hơn cựu Tổng thống Trump, người đã ba lần tham gia đường đua vào Nhà Trắng. Nhìn chung, chiến dịch của ông Trump chiếm lĩnh mặt trận truyền thông đã nhiều tháng, trong khi bà Harris chỉ được xem là “lính mới” sau hơn 1 tuần tham gia tranh cử.
Tính tới thời điểm này, ông Trump chi mạnh tay hơn bà Harris 25 lần cho các quảng cáo trên sóng truyền hình và phát thanh, theo thống kê của hãng tin AP. Chênh lệch đáng kinh ngạc này cho thấy sự mất cân bằng nghiêm trong giữa lưỡng đàng, trong bối cảnh hàng triệu cử tri cần phải định hình lại quan điểm của họ về phó Tổng thống, người đã dành 4 năm qua làm việc với tư cách phó tướng của ông Biden.
“Dư luận giống như xi măng vậy. Lúc đầu thì mềm, sau đó thì cứng lại,” bà Sarah Longwell, đồng sáng lập tổ chức Republican Voters Against Trump, cho biết. “Ba tuần tới là thời gian quyết định. Bà ấy cần phải định nghĩa bản thân trước khi ông Trump định nghĩa bà ấy.”
Trong những ngày đầu tham gia tranh cử, phe đối lập và thậm chí là các đồng minh đều cho rằng bà Harris được hưởng lợi từ các hiệu ứng truyền thông phần lớn là tích cực. Tuy nhiên, chuyên gia thăm dò ý kiến Tony Fabrizio lại gọi đó là “tuần trăng mật của Harris”, đồng thời cảnh báo bà nên sẵn sàng cho “sự kết thúc của tuần lễ này”.
Với những kỷ lục gây quỹ trong thời gian gần đây, bà Harris có đủ tài lực để triển khai một chiến dịch quảng cáo rầm rộ đối phó với ông Trump. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của bà Harris là chọn ra một phó Tổng thống phù hợp, tạo nên một liên danh truyền thông có khả năng “đánh bật” bộ đội Trump-JD Vance ra khỏi bản đồ bầu cử.
Chiến dịch của bà Harris đang nỗ lực gia tăng sức ảnh hưởng tại các tiểu bang công nghiệp miền Trung Tây (Pennsylvania, Michigan và Wisconsin) – khu vực từng được “nhuộm đỏ” vào năm 2016, góp phần mang đến chiến thắng cho ông Trump trong cùng năm. Một trong những ứng viên tiềm năng mà bà Harris có thể cân nhắc là Thống đốc Josh Shapiro.
Theo ông Bruce Wolpe – nhà nghiên cứu chính trị tại Viện Nghiên cứu Mỹ, cuộc đối đầu trên mặt trận truyền thông sẽ quyết định kết quả bầu cử tháng 11.
“Liệu bà Harris sẽ là một phiên bản khác của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, kẻ chiến bại dưới tay ông Trump? Hay bà sẽ là một Barack Obama thứ hai, ứng cử viên đại diện cho sự hy vọng và thay đổi. Thành hay bại sẽ được quyết định phần lớn bởi hiệu ứng truyền thông”, ông Wolpe nói.
Nguồn: Vov.vn