Giữa khói lửa xung đột Ukraine và trong vòng vây của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, nước Nga thời Tổng thống Putin kiên trì theo đuổi kế hoạch hướng tới một thế giới đa cực và nền an ninh “bình đẳng, không bị chia cắt”.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc đã trình bày nội dung và quan điểm mấu chốt của điện Kremlin trong nỗ lực hình thành trật tự thế giới mới theo hướng phá bỏ ảnh hưởng quốc tế của Mỹ và xây dựng trật tự đa cực.
Đại sứ Antonov có những chia sẻ này với tờ Newsweek trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tìm cách thắt chặt hơn các mối quan hệ ở nước ngoài nhằm cô lập hơn nữa Nga – đất nước đang tiến hành xung đột vũ trang với Ukraine.
Cấu trúc an ninh mới đằng sau xung đột Ukraine
Tại một cuộc họp với các quan chức ngoại giao cao cấp mới đây, Tổng thống Nga Putin đã vạch ra kế hoạch chi tiết để chấm dứt cuộc xung đột quân sự lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến II.
Đề xuất của ông Putin đã bị Ukraine và đồng minh gạt bỏ. Tuy nhiên, Đại sứ Nga Antonov lập luận rằng phương Tây đã bỏ lỡ mất một thông điệp quan trọng của Tổng thống Putin.
Đại sứ Antonov nói với Newsweek rằng các chuyên gia và chính trị gia phương Tây dường như phớt lờ điểm chính yếu của Tổng thống Putin, đó là kêu gọi cộng đồng quốc tế, chủ yếu là lục địa Á-Âu đồng ý về nhu cầu thiết lập một kiến trúc an ninh mới.
Theo ông Antonov, đề xuất của Nga có nhiều nội dung liên quan đến việc phản đối “dự án Ukraine” cũng như nỗ lực có hệ thống của Moscow nhằm làm sâu sắc hợp tác bình thường, tôn trọng lẫn nhau với Nam Toàn cầu.
Dấu ấn nổi bật của Tổng thống Nga Putin kể từ khi lên nắm quyền cách đây 1/4 thế kỷ là ông bận tâm cao độ đến cấu trúc an ninh cho không gian ảnh hưởng hậu Xô viết. Cốt lõi của quan điểm này là sự kiên trì phản đối liên minh quân sự NATO (do Mỹ đứng đầu) mở rộng vào những khu vực trước đây chịu ảnh hưởng chủ đạo của khối Warsaw (thuộc Liên Xô và Đông Âu XHCN).
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây quanh vấn đề này bùng phát thành xung đột bạo lực ở Ukraine vào năm 2014 sau khi chính biến ở Kiev đã tạo ra một chính quyền mới thân phương Tây. Ngay sau đó, Nga khẩn trương giành quyền kiểm soát bán đảo chiến lược Crimea rồi sáp nhập chính thức lãnh thổ này. Chiến sự bùng nổ ở vùng Donbass (ở miền Đông Ukraine) giữa lực lượng của chính quyền Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga.
Năm 2021, tình hình xấu đi nhanh chóng khi Nga tập trung quân dọc biên giới với Ukraine và bắt đầu đàm phán với Mỹ và NATO để yêu cầu họ giảm sự hiện diện của NATO tại Đông Âu. Khi đàm phán thất bại, Tổng thống Putin chính thức phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022. Xung đột vũ trang Nga – Ukraine kéo dài từ đó đến giờ.
Trong các tháng gần đây, quân Nga đạt được một số bước tiến mới nhưng xung đột Ukraine cơ bản vẫn giằng co. Tổng thống Putin nêu điều kiện đề chấm dứt xung đột là Ukraine phải rút quân khỏi 5 vùng lãnh thổ mà Nga mới sáp nhập từ Ukraine (4 tỉnh trong năm 2022 và 1 bán đảo hồi năm 2014), theo đuổi chính sách trung lập và phi hạt nhân hóa.
Thế nhưng Mỹ và đồng minh tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine đối đầu với Nga.
Đại sứ Antonov nói: “Ngày 14/6, Tổng thống Nga Putin đề xuất kế hoạch hòa bình chấm dứt xung đột Ukraine. Đáp lại, chúng tôi chỉ thấy các nguồn cung vũ khí mới cho chế độ Kiev. Như vậy Washington chỉ tập trung vào cuộc chiến với mục tiêu gây ra thất bại chiến lược cho Nga”.
Làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ, bảo đảm an ninh không thể chia cắt
Theo Đại sứ Nga Antonov, Mỹ đã không xem xét nghiêm túc các sáng kiến của Nga được giới thiệu vào cuối năm 2021 về các bảo đảm dựa trên nguyên tắc an ninh không bị chia cắt (nghĩa là an ninh của bất kỳ quốc gia nào cũng không thể tách rời các quốc gia khác trong cùng khu vực).
Trước các học viên quân sự Nga vừa tốt nghiệp mới đây, ông Putin trình bày về kế hoạch của Nga “tạo ra một nền an ninh bình đẳng và không bị chia cắt ở lục địa Á-Âu”.
Theo ông Antonov, ngày nay đang có cơ hội để Nga thúc đẩy điều chỉnh căn bản môi trường an ninh khu vực, dựa trên sự ủng hộ quốc tế từ những nước khát khao một thế giới có tính đa cực hơn.
Đại sứ Antonov đã liệt kê một vài khía cạnh chính trong kế hoạch của Kremlin nhằm làm suy yếu quyền lực của phương Tây.
Ông nói: “Đề xuất của chúng tôi bao gồm việc loại bỏ khoảng trống về quy định và thể chế trong lĩnh vực an ninh Á-Âu, công nhận thực sự và chân thành sự dịch chuyển của thế giới hướng tới trật tự đa cực. Đồng thời hệ thống tương lai sẽ cần dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và sự thượng tôn của luật pháp quốc tế”.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng mặc dù có một mục tiêu trọng yếu là pha loãng ảnh hưởng của phương Tây, ý tưởng ở đây không phải là lập ra một liên minh chống lại bất cứ quốc gia nào: “Chúng tôi không nói về việc tạo ra một khối mới hay trục mới để chống lại một ai đó”.
Theo Đại sứ Nga, nền tảng của hệ thống mới này là “đối thoại và hợp tác”.
Trong khi đó, Mỹ lại coi Nga là “trở ngại duy nhất đối với hòa bình ở Ukraine”. Họ cũng tố Nga xây dựng “hệ sinh thái tuyên truyền” nhằm phục vụ lợi ích của Kremlin.
Trong lúc dư luận lo ngại về leo thang căng thẳng và yếu tố hạt nhân quanh xung đột Nga – Ukraine, Đại sứ Antonov vạch ra nhu cầu xác định lại trật tự an ninh Á-Âu như một nhân tố hệ trọng mang lại hòa bình cho khu vực và tránh các cuộc xung đột trong tương lai.
Ông Antonov nói: “Sáng kiến do Tổng thống Nga vạch ra sẽ đòi hỏi nỗ lực khổng lồ và quyết tâm chính trị. Thực hiện sáng kiến đó sẽ mất nhiều năm. Cũng cần xác định và đồng bộ hóa quan điểm về nhiều yếu tố căn bản. Nhưng chúng ta phải bắt tay ngay vào công việc, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng, vì các thế hệ tương lai”.
Tổng thống Nga Putin mới đây đã thăm chính thức Triều Tiên và Trung Quốc để tăng cường quan hệ ở châu Á. Liên quan đến các chuyến thăm này, Đại sứ Antonov cho rằng Nga có quyền xây dựng quan điểm riêng và quyền bảo vệ lợi ích quốc gia.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở ở Washington) cho rằng Kremlin có ý định lập ra một nhóm các nước thân thiện với Nga và cạnh tranh với phương Tây và NATO.
Theo ông Putin, Moscow sẵn sàng thảo luận các vấn đề an ninh Á-Âu với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) cũng như các nước thuộc khối BRICS.
Đồng thời trong lúc này, Tổng thống Putin khẳng định Nga vẫn phải tự lực cánh sinh và bảo đảm kinh tế ổn định để hỗ trợ hoạt động quốc phòng.
Xem thêm:
>> Khoảnh khắc bom chùm lao tới tấp xuống bãi biển Sevastopol do Nga kiểm soát
>> Ông Trump nhận được kế hoạch Mỹ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine
>> Nước Nga thời Putin cải cách ra sao và thách thức phương Tây như thế nào?
Nguồn: Vov.vn