Miền Bắc liên tiếp đối mặt với các đợt mưa lớn đề phòng lũ quét, sạt lở đất

“Với hoàn lưu mây bất đối xứng như vậy, chúng tôi nhận định cường độ áp thấp nhiệt đới này sẽ khó có khả năng mạnh lên thành bão, nhiều khả năng sẽ suy yếu thành vùng áp thấp sau đó sẽ gây ra mưa lớn ở khu vực Trung bộ là chính”, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nói.

Trong ngày hôm nay (14/7), do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, trong những ngày tới, các tỉnh miền Bắc nước ta sẽ đối mặt với nhiều đợt mưa lớn. Cụ thể diễn biến thời tiết những ngày tới như thế nào? Phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

PV: Trước tiên ông có thể cho biết nhận định về kịch bản cũng như diễn biến của cơn áp thấp nhiệt đới sắp ảnh hưởng đến nước ta? 

mien bac lien tiep doi mat voi cac dot mua lon de phong lu quet, sat lo dat hinh anh 1
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn 

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Cơn áp thấp nhiệt đới này hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới và có vùng mây bất đối xứng tức là mây ở phần Tây Nam của cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động mạnh.

Ngay từ ngày hôm nay (14/7) phần phía Tây của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây ra mưa cho khu vực Trung trung Bộ, trọng tâm từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi. Với hoàn lưu mây bất đối xứng như vậy, chúng tôi nhận định cường độ áp thấp nhiệt đới này sẽ khó có khả năng mạnh lên thành bão, nhiều khả năng sẽ suy yếu thành vùng áp thấp sau đó sẽ gây ra mưa lớn ở khu vực Trung bộ là chính. 

PV: Vậy thì thời gian tác động của cơn áp thấp nhiệt đới này trên biển cũng như đất liền như thế nào, thưa ông? 

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Hiện tại áp thấp nhiệt đới đang ở khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa và đang gây ra gió mạnh cấp 6 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cũng như khu vực phía Tây, giữa Biển Đông.

Do tác động của áp thấp nhiệt đới nên khu vực vùng biển từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi đang có gió mạnh cấp 6.

Theo đánh giá của chúng tôi thì khi hoàn lưu áp thấp nhiệt đới này khoảng chiều tối mai sẽ di chuyển vào khu vực đất liền và gây ra đợt mưa lớn ở khu vực Trung bộ.

Với diễn biến của cơn áp thấp này, chúng tôi nhận định, trên biển, phần phía Nam của áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió Tây Nam mạnh đã gây ra gió mạnh khu vực biển từ Bình Định trở vào đến Bình Thuận và khu vực phía Nam của Biển Đông cũng như khu vực quần đảo Trường Sa với gió Tây Nam mạnh cấp 6- cấp 7, sóng biển các khu vực này khả năng cao từ 2,5-4m, biển động mạnh.

Với hướng di chuyển là Tây Tây Bắc, hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới này sẽ kết hợp với gió Đông Nam gây ra một đợt mưa lớn ở khu vực Trung bộ, trọng tâm trong đêm nay và ngày mai tức là đêm 14/7, sáng 15/7 mưa sẽ tập trung chính ở khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi. Sau đó khi áp thấp nhiệt đới di chuyển vào đất liền sẽ có đới gió Đông Nam sau áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa khu vực từ Quảng Trị mở rộng ra khu vực đồng bằng Bắc Bộ và khu vực ven biển Đông Bắc Bộ. 

Từ đêm của ngày 15 đến ngày 16,17/7 chúng tôi dự báo khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra đến khu vực phía Nam đồng bằng Bắc Bộ như các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định sẽ xảy ra đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Đấy là về diễn biến gây mưa của áp thấp nhiệt đới.

Ngoài ra, chúng tôi lưu ý là gió mùa Tây Nam đang gây mưa lớn khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Mưa này sẽ còn tiếp tục trong 2-3 ngày tới và trọng tâm là khu vực Tây Nguyên, miền Đông Nam cũng như các tỉnh ven biển của miền Tây Nam Bộ như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang là những vùng có khả năng xảy ra mưa lớn.

Vì diễn biến mưa do áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới như vậy, trong những ngày tới khu vực phía Tây của các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi là những vùng đặc biệt lưu ý có khả năng xảy ra hiện tượng lũ quét và sạt lở đất. 

Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên sắp tới đã, đang và sẽ có nhiều ngày có mưa lớn, đây cũnglà vùng trọng tâm xảy ra hiện tượng lũ quét và trượt lở đất trong thời gian tới. 

PV: Như ông vừa chia sẻ thì sau cơn áp thấp nhiệt đới này thì ở phía Đồng bằng bắc Bộ cũng như khu vực Đông bắc bộ cũng xảy ra các đợt mưa lớn. Vậy lượng mưa ở các khu vực này như thế nào, thưa ông? 

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Lượng mưa sẽ diễn biến theo từng giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến khoảng ngày 17-18/7 mưa tập trung chính khu vực đồng bằng Bắc Bộ và ven biển, lượng mưa phổ biến từ 40 đến 70mm. Đấy là lượng mưa phổ biến nhưng trong thời gian vừa qua cho thấy ngoài lượng mưa phổ biến sẽ có những đợt mưa, điểm mưa cục bộ rất lớn, có những điểm mưa cục bộ có thể lên đến 150-200mm trong thời gian rất ngắn.

Sau đợt mưa từ nay đến ngày 18/7 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ thì có khả năng giai đoạn từ 18-20/7 trở đi thì khu Việt Bắc và Tây Bắc có khả năng xuất hiện mưa lớn cục bộ trở lại. Cho nên chúng tôi vẫn lưu ý ở khu vực Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu khoảng thời gian tới vẫn hết sức lưu ý hiện tượng lũ quét và trượt lở đất. 

PV: Xin cám ơn ông!

Nguồn: Vov.vn