Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong tuần này ở Washington, Mỹ được cho là sẽ sẽ gây ra không ít khó chịu cho Canada khi các đồng minh trong khối nhiều khả năng sẽ thúc giục nước này phải cam kết chi nhiều tiền hơn cho hoạt động chung.
Canada vẫn trì hoãn mục tiêu 2%
Canada đã né tránh cam kết của mình với NATO trong khoảng một thập kỷ qua và dường như Ottawa khó có thể trì hoãn lâu hơn nữa.
Trong nhiều năm qua, Canada đã trở thành một ngoại lệ trong liên minh 32 thành viên. Canada không đạt được mục tiêu chi tiêu quân sự trong nước, không đạt được tiêu chuẩn về chi tiền cho các vũ khí mới và cũng không có kế hoạch để đạt được điều đó. Thực trạng không chỉ khiến cho Mỹ mà cả các quốc gia khác trong liên minh quân sự cảm thấy thất vọng.
Max Bergmann, cựu quan chức về kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Điều có thể dễ dàng nhận thấy là các nước đang chi tiêu nhiều hơn và thực tế ai cũng nhìn ra là người Canada thậm chí còn chẳng thể hiện sự cố gắng”.
Điều đáng ngạc nhiên ở đây là trong khi chậm chạp tăng chi tiêu quốc phòng thì Canada lại chứng minh được mình là một đồng minh mạnh mẽ trên các lĩnh vực khác, từ việc mua vũ khí của Mỹ cho đến phối hợp chặt chẽ với Washington trong việc bảo vệ Bắc Mỹ cho đến việc triển khai quân tới Iraq và Afghanistan.
Mặc dù vậy, điều này cũng không khỏa lấp được nỗi thất vọng từ các nước thành viên NATO. “Họ [Canada – ND] sẽ tiếp tục làm như vậy vì không có hình phạt thực sự nào nếu không đạt được mục tiêu chung của liên minh. Người châu Âu cảm thấy thất vọng vì họ bị chỉ trích nếu không hành động, còn Canada thì không”, một quan chức Quốc hội Mỹ giấu tên cho biết.
Là 1 trong 12 thành viên sáng lập của NATO, Canada đã sẵn sàng ký cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng. NATO nhìn chung hướng đến mục tiêu này khá chậm chạp, nhưng đến năm nay, 23 trong số 32 thành viên NATO sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Hai trong số những quốc gia chưa đạt mục tiêu là Canada và Bỉ. Tuy nhiên, không giống như Canada – hiện nước này chưa hề có kế hoạch cụ thể, Bỉ cho biết họ sẽ đạt được mục tiêu đó vào năm 2035.
Các nhà ngoại giao cho biết, trường hợp của Canada đặc biệt gây khó chịu vì Ottawa dường như không cho thấy thái độ khẩn trương, bất chấp những vấn đề nghiêm trọng với thiết bị quân sự cũ kỹ và nền kinh tế mạnh mẽ của nước này. Theo một báo cáo nội bộ bị rò rỉ, quân đội của nước này thiếu kinh phí đến mức một nửa số vũ khí của nước này được coi là “không khả dụng và không thể sử dụng được”.
Philippe Lagassé, chuyên gia tại Đại học Carleton của Canada nói: “Công chúng Canada không thực sự thấy cần thiết. Nếu buộc phải lựa chọn giữa chi tiêu quốc phòng, các chương trình xã hội hoặc giảm thuế, quốc phòng sẽ luôn là lựa chọn cuối cùng. Vì vậy, không có lợi ích chính trị nào khi đáp ứng cam kết trong NATO”.
Lập trường của Canada đã thúc đẩy một nhóm lưỡng đảng gồm 23 thượng nghị sĩ Mỹ thực hiện bước cực kỳ hiếm hoi là gửi thư cho Thủ tướng Justin Trudeau vào tháng 5 nói rằng họ “quan ngại và vô cùng thất vọng vì dự báo gần đây nhất của Canada cho thấy nước này sẽ không đạt được cam kết 2% trong thập kỷ tới”.
Và tình hình có thể còn tồi tệ hơn nhiều nếu ông Donald Trump đắc cử.
Khi còn tại nhiệm, ông Trump nhắm vào Đức và Pháp – hai quốc gia hiện đã cam kết mua thêm hàng tỷ USD vũ khí và đang nâng cấp lực lượng vũ trang của họ, thì nhiều năm thiếu đầu tư đã khiến quân đội Canada thiếu trang bị và chưa sẵn sàng để thay đổi điều này. Nếu cựu tổng thống Trump quay lại Nhà Trắng, ông chắc chắn sẽ để ý đến Canada.
Mặc dù vậy, sự thờ ơ của các chính trị gia Canada đối với vấn đề này đã được thể hiện rõ ràng vào tháng 4/2024 khi chính phủ của Thủ tướng Trudeau đưa ra chính sách quốc phòng mới, hướng tới mục tiêu chi tiêu 1,7% GDP cho quốc phòng vào năm 2030.
Nhiều tiếng nói trong liên minh đã phê phán Canada vì lập trường của nước này nêu gương xấu cho các nước khác.
Một nhà ngoại giao châu Âu nêu quan điểm: “Tôi thực sự nghĩ những gì Canada đang làm sẽ thúc đẩy các nước khác chẳng việc gì phải vội khi hướng tới mục tiêu 2%”.
“Các đồng minh không chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng sẽ làm suy yếu nghiêm trọng uy tín của chính họ và tư thế răn đe chung của khối”, cố vấn của bộ quốc phòng một nước thành viên NATO nhận xét. Vị cố vấn này đồng thời lưu ý: “Chính sách như vậy về cơ bản làm suy yếu niềm tin đối với những đồng minh. Nếu hôm nay họ không có đủ quyết tâm, tôi không mấy lạc quan về hành vi của họ nếu xảy ra xung đột trực tiếp giữa NATO với một đối thủ nào đó”.
Quyết tâm của Canada đến đâu?
Trong chuyến thăm Washington vào tháng 5/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair đã bác bỏ những chỉ trích rằng Canada không có ý định tham gia câu lạc bộ 2%.
“Tôi hy vọng rằng khi chúng tôi trở lại Washington dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7, chúng tôi sẽ có thể trấn an các đồng minh của mình rằng Canada hiểu các nghĩa vụ của mình. Chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa, phải làm nhiều hơn nữa… Tôi muốn có thể đảm bảo với các đồng minh rằng chúng tôi hiện đang thực hiện công việc. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực thực hiện việc này. Chúng tôi biết còn nhiều việc phải làm”, ông Blair nói.
Trên thực tế, từ năm 2016 đến năm 2017, ngân sách quốc phòng của Canada đã tăng hơn gấp đôi từ 13,5 tỷ USD lên 29 tỷ USD, với việc nước này mua 88 máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất, 16 máy bay giám sát Poseidon P-8A và thực hiện giai đoạn đầu của một dự án lớn đóng 15 khinh hạm cho lực lượng hải quân.
“Canada cam kết đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng”, Daniel Minden, người phát ngôn của ông Blair cho biết khi được yêu cầu bình luận.
Một tài liệu chính sách quốc phòng mới phác thảo các khoản đầu tư bổ sung để đưa Canada đạt mức chi tiêu 1,7% GDP cho quốc phòng vào năm 2030, “có nghĩa là chúng tôi sẽ tăng gần gấp ba chi tiêu quốc phòng của Canada kể từ năm 2014”, ông Minden nói. “Vẫn còn nhiều việc phải làm. Canada quyết tâm thực hiện các cam kết của mình”.
Kế hoạch của Canada hiện đại hóa Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD), được ban hành vào năm 2022 sẽ đầu tư thêm 38,6 tỷ USD trong vòng 20 năm vào khuôn khổ nỗ lực phòng thủ chung Canada/Mỹ.
Canada cũng đang tìm cách đầu tư vào một lớp tàu ngầm mới để thay thế các tàu ngầm lớp Victoria đã cũ và hiếm khi hoạt động. Ottawa đang xem xét cả các mẫu tàu chạy bằng năng lượng thông thường và chạy bằng năng lượng hạt nhân do nhiều đối tác quốc tế chế tạo, nhưng chưa có kế hoạch chắc chắn nào về việc này, khiến cho việc chi tiêu tiềm năng cho các tàu ngầm mới vẫn còn phải mất nhiều năm nữa.
Là một phần của cam kết 2%, các quốc gia cũng đồng ý chi 20% trong số đó để mua các loại vũ khí mới. Canada và Bỉ là những quốc gia tiếp tục chưa làm được điều này.
Trong khi Ba Lan đang rót hàng chục tỷ USD để mua xe tăng của Mỹ và Hàn Quốc, nhiều bệ phóng tên lửa và máy bay chiến đấu, thì Đức đang tăng cường sản xuất xe bọc thép và đạn pháo, còn các quốc gia nhỏ vùng Baltic đang sử dụng ngân sách hạn hẹp của mình để thiết kế và chế tạo máy bay không người lái mới, tập hợp nguồn lực mua hệ thống tên lửa tầm xa và hệ thống phòng không, Canada vẫn ngần ngại chi tiêu.
Không giống như các quốc gia khác, Canada không thể phàn nàn về nền kinh tế èo uột hoặc nợ nần chồng chất.
Chuyên gia Lagassé nhận định: “Canada luôn nói về trách nhiệm của mình đối với tỷ lệ nợ trên GDP. Vì vậy, nếu nước này tiếp tục đề cập mức độ thành công về mặt tài chính thì mọi người sẽ nói: ‘Được rồi, vậy thì các vị có đủ điều kiện để có thể làm nhiều hơn nữa'”.
Nguồn: Vov.vn