Nga đổi chiến thuật dùng UAV nhằm săn tìm ma trận phòng không Ukraine

Một quan chức tình báo Ukraine cho biết, Nga đã bắt đầu triển khai các loại máy bay không người lái mới, có giá thành rẻ, tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào Ukraine nhằm xác định trận địa phòng không của đối phương.

Chiến thuật mới của Nga

Hai loại máy bay không người lái mới mà Nga sử dụng trong 5 cuộc tấn công trong vòng 2 đến 3 tuần qua, được sản xuất từ các vật liệu rẻ tiền như nhựa xốp và gỗ dán, quan chức này nói với Reuters. Một loại mang theo máy ảnh và thẻ SIM điện thoại di động để gửi hình ảnh trở lại cho quân đội Nga.

nga doi chien thuat dung uav nham san tim ma tran phong khong ukraine hinh anh 1
UAV của Nga. Ảnh: TASS

“Các UAV này xác định vị trí các nhóm chiến đấu di động của chúng tôi vốn đang sử dụng súng máy để bắn hạ chúng. Ngoài ra, chúng cũng chụp ảnh vị trí tất cả các hệ thống phòng không của chúng tôi”, Andriy Cherniak, phát ngôn viên của cơ quan tình báo quân sự Ukraine cho biết.

Các thông tin mới này là bằng chứng cho thấy Nga đang tìm cách thay đổi chiến thuật và thử nghiệm công nghệ mới để giành lợi thế trong cuộc xung đột.

Trước đó, Nga được cho là đã sử dụng khá nhiều máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất. Shahed đã nhanh chóng trở thành vũ khí chính trong các cuộc tấn công trên không của Nga kể từ khi được triển khai hồi đầu cuộc xung đột.

Theo ông Cherniak, một loại máy bay không người lái mới của Nga có gắn camera không mang theo chất nổ nhưng rất giống với máy bay không người lái Shahed và thường bay theo nhóm. Còn loại máy bay không người lái mới thứ hai không chứa hoặc chỉ chứa một lượng nhỏ thuốc nổ và đang được sử dụng làm mồi nhử.

Ông Cherniak cho rằng, dù có tầm bay xa nhưng máy bay không người lái mới có giá 10.000 USD mỗi chiếc, rẻ hơn rất nhiều so với tên lửa phòng không. Chưa kể chúng có thể bay ở độ cao 1.000m, nằm ngoài tầm bắn của súng máy và súng trường tự động. Rất khó phân biệt các UAV này với UAV tấn công thông thường. “Ukraine vẫn cần phải sử dụng tên lửa để bắn hạ vì chúng có thể tiết lộ vị trí phòng không của chúng tôi”, ông Cherniak lưu ý.

Thời gian qua, Ukraine vẫn luôn tìm cách che giấu các hệ thống phòng không của nước này khỏi các cuộc tấn công của Nga trong bối cảnh Kiev đang thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống phòng không và phải kêu gọi phương Tây tăng cường viện trợ.

Vai trò của UAV trên chiến trường

Cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành nơi thử nghiệm các công nghệ chiến tranh mới, đặc biệt là máy bay không người lái. Cả Nga và Ukraine đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái tấn công và trinh sát trên chiến trường.

Ukraine đã dành nhiều nguồn lực để sản xuất máy bay không người lái trong nước nhằm thu hẹp khoảng cách với Nga, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa vào những mục tiêu như cơ sở quân sự hay nhà máy lọc dầu của đối phương. Về phần mình, Nga cũng tiến hành hàng loạt cuộc tấn công trên không tầm xa để làm suy yếu quân đội Ukraine.

Theo một số báo báo, cả Nga và Ukraine đều thực hiện hàng nghìn phi vụ mỗi tháng trên chiến trường bằng UAV nhỏ tầm ngắn hoặc UAV tấn công thông thường, trong đó có cả phiên bản thương mại và phiên bản quân sự. Thời gian gần đây, Ukraine thành lập lực lượng mới chuyên biệt về UAV trong lực lượng vũ trang để đẩy nhanh quá trình phát triển các phương tiện không người lái trên biển, trên bộ và trên không.

Những máy bay không người lái nhỏ, với kích thước gần bằng một quả bóng đá, có thể được sử dụng để giám sát chiến trường hoặc tấn công trực tiếp vào xe bọc thép, boongke và chiến hào.

Ukraine hiện đang chế tạo hàng nghìn máy bay không người lái nhỏ, sử dụng các thành phần thương mại để lắp vào khung in 3D. Sau khi triển khai 100.000 máy bay không người lái nhỏ ra tiền tuyến vào năm 2023, Kiev có kế hoạch chế tạo 1 triệu máy bay vào năm 2024, tại gần 200 nhà máy trải dài trên khắp cả nước. Máy bay không người lái cung cấp cho các đơn vị cỡ trung đội khả năng trinh sát và giám sát riêng biệt, vốn là chìa khóa để sinh tồn trên chiến tuyến.

Phi đội UAV của Nga cũng ngày càng lớn mạnh. Trong năm đầu tiên của cuộc xung đột, Nga chủ yếu sử dụng UAV Shahed của Iran. Kể từ đó, nước này đã thiết lập các cơ sở sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào đối tác bên ngoài. Điều này giúp Nga mở rộng quy mô sản lượng UAV, gia tăng tần suất các cuộc tấn công, nhằm vào nhiều mục tiêu trên khắp Ukraine.

Với số lượng UAV ngày càng nhiều, Nga có thể nhanh chóng áp đảo khả năng phòng thủ hạn chế của Ukraine. Ngoài việc sản xuất phiên bản tương tự UAV Shahed, Nga cũng thử nghiệm những mẫu UAV mới có khả năng qua mắt hệ thống phòng không của đối phương, đồng thời cung cấp các cảnh quay chân thực, chính xác về tình hình chiến trường cho các đơn vị vận hành.

Nguồn: Vov.vn