Dù miễn phí đào tạo, có nhiều cơ hội việc làm, nhưng đa số người lao động tự do, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc đào tạo nghề. Chuyên gia cho rằng, tâm lý của người lao động là muốn tìm việc làm ngay để có thêm thu nhập thay vì học thêm một nghề mới, ngoài ra các chính sách về học nghề vẫn chưa thực sự thu hút, đủ sức hấp dẫn.
Nằm trong số nhân viên bị cắt giảm, chị Nguyễn Thị Minh (Đông Anh, Hà Nội) nghỉ việc tại một công ty may mặc và nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian này, chị được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hướng dẫn đăng ký học nghề. Quyết định học thêm nghề nấu ăn, chị Minh thuận lợi xin việc vào một doanh nghiệp về cung cấp bữa ăn bán trú tại địa phương.
Cùng tham gia lớp học nấu ăn do Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, chị Nguyễn Thị Minh Ánh (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, sau khi nghỉ việc tại một công ty điện tử, chật vật với những công việc thời vụ, chị Ánh quyết định tham gia học nghề nấu ăn để phát triển công việc kinh doanh riêng. Sau khóa học, chị Ánh mở một cửa hàng bán đồ ăn sẵn tại nhà, kết hợp với bán trên các nền tảng công nghệ như Grabfood, Shopee. Mức doanh thu tốt giúp chị Ánh ổn định cuộc sống.
Chị Ánh cho biết, vì lớn tuổi, nên khi nói đến chuyện học nghề, ban đầu chị khá e ngại, nhưng được tư vấn, hiểu được lợi ích của việc học nghề, chị Ánh quyết định tham gia để có thêm một kỹ năng mới, bắt đầu công việc.
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, công tác đào tạo nghề đã góp phần từng bước chuẩn hóa lực lượng lao động, lao động di cư tự do không có tay nghề. Qua đó giúp người lao động phi chính thức có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn và ổn định hơn.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết, hầu hết người tham gia học nghề đều tìm được việc làm, có những người về tự khởi nghiệp. Song thực tế trong tổng số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp đăng ký tham gia hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận 690.256 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ có 27.457 người đang kỹ tham gia hỗ trợ học nghề (chiếm 3,9%).
Theo bà Liễu nguyên khiến người lao động chưa mặn mà với việc học nghề do tâm lý muốn nhanh chóng kiếm việc làm để có thu nhập mà ít quan tâm đến các khóa đào tạo nghề miễn phí.
Nhiều lao động không tham gia học nghề là bởi họ chưa có định hướng nghề nghiệp khi thất nghiệp, hoặc có nhiều cơ cơ hội tìm việc làm mới. Còn với những lao động ở khu vực nông thôn lại khó sắp xếp được nhiều ngày đi học trực tiếp ở lớp. Không có kinh phí học nghề, lớp học ở xa, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lao động không học nghề ngắn hạn.
Đặc biệt, hiện nay mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng còn thấp, nhiều khi không đủ bù đắp chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt của lao động tham gia học nghề…
Là nơi tập trung nhiều lao động phi chính thức, ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng nhận định, dù có nhiều tín hiệu tích cực, song công tác đào tạo cho lao động phi chính thức tại các làng nghề vẫn đang gặp khó khăn. Cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, giải quyết được 11 triệu người lao động. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được giao thực hiện một số dự án đào tạo nhưng khâu tuyển sinh rất khó bởi các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, tại các làng nghề, nghệ nhân thường truyền nghề theo hướng cha truyền con nối, truyền tay chỉ việc nên khó thu hút người dân làng nghề tham gia học nghề.
Cần những chính sách đặc biệt trong đào tạo nghề
Để thu hút người lao động ở khu vực phi chính thức học nghề, ông Tôn Gia Hóa cho rằng, nên có chế độ đặc biệt trong công tác dạy nghề, cũng như có quy định đặc thù đối với làng nghề truyền thống, không yêu cầu các nghệ nhân phải có bài giảng. Bởi trên thực tế, các nghệ nhân không có giáo trình mà truyền đạt, dạy bằng thực tế, truyền tay chỉ việc.
Còn theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí. Bên cạnh đó, nhằm giúp người học nghề giảm chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt, bên cạnh việc rèn thực hành kỹ năng trực tiếp, Trung tâm cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy lý thuyết. Giáo viên soạn thảo các tài liệu học tập dưới dạng PDF, slide để học viên dễ dàng tải về. Giáo viên cũng tạo các video hướng dẫn chi tiết cho từng kỹ năng cụ thể, giúp học viên dễ nắm bắt và thực hành hơn. Quan trọng hơn nữa, là tăng cường kết nối học viên với đơn vị tuyển dụng để giúp người lao động có thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Qua con số thống kê của đơn vị này, bà Liễu cho biết phần lớn lao động thất nghiệp chưa có bằng cấp, chứng chỉ. Vì vậy, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với trường nghề để công tác này có hiệu quả hơn.
Về phía Bộ LĐ-TB-XH, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, ngoài những chính sách đào tạo nghề đã có, tới đây, Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình Chính phủ ban hành các đề án như Tăng cường đào tạo nghề nông thôn; Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; tăng cường ứng dụng CNTT cho lực lượng lao động. Từ đó, trang bị cho người lao động kỹ năng tìm kiếm việc làm; bồi dưỡng kỹ năng, giúp người lao động thích ứng nhanh nhất với sự thay đổi và nhu cầu của thị trường.
Nguồn: Vov.vn