Những vấn đề nhạy cảm, vấn đề nóng đã được tiếp cận một cách có chiều sâu, trực tiếp nhưng rất tế nhị, nhạy cảm, đặc biệt mang tính nhân văn, định hướng tốt đã được mang đến Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI – năm 2024.
>> Các tác phẩm đoạt giải tại LHPT toàn quốc lần thứ XVI
Phát thanh không chỉ là địa chỉ cung cấp thông tin đáng tin cậy, kịp thời và có chiều sâu, mà với cách lựa chọn, xử lý khéo léo những chủ đề nóng, nhạy cảm nhưng thực tế, các chương trình/tác phẩm đã mang đến hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng số, mạng xã hội.
Số lượng chương trình tham gia phát thanh trực tiếp tăng mạnh
Phóng viên Báo Điện tử VOV phỏng vấn PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, Phó Viện trưởng Viện Báo chí – Truyền thông (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thành viên Hội đồng thi Phát thanh trực tiếp, Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI – năm 2024 về vấn đề này.
PV: Thưa bà, là thành viên nhiều năm của Hội đồng Giám khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc, bà có thể chia sẻ một vài cảm xúc khi là thành viên hội đồng giám khảo Liên hoan Phát thanh lần này?
PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng: Thông qua các kỳ Liên hoan Phát thanh, tôi nhìn thấy được sự phát triển rất rõ ràng của ngành phát thanh về mặt chất lượng các dòng sản phẩm.
Phát thanh trực tiếp năm nay là tiểu ban thi thu hút được nhiều chương trình có chất lượng đến từ cả đài trung ương và địa phương. Đặc biệt, năm nay các Đài PT-TH địa phương đã mang đến cho Liên hoan Phát thanh những sản phẩm không chỉ là tốt về nội dung mà có sự đầu tư kỹ lưỡng trong việc thu thập thông tin, mang đến những tư liệu rất quý, bàn về những chủ đề công chúng đang rất quan tâm, những chủ đề nóng hổi có ý nghĩa xã hội.
Bên cạnh đó, một đặc điểm nổi bật của của phát thanh trực tiếp năm nay là việc ứng dụng nền tảng số để lan tỏa thông tin, đến được với nhiều nhóm đối tượng công chúng, để phục vụ hữu hiệu cho công chúng và đời sống xã hội.
PV: Chủ đề của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI – năm 2024 là: “Phát thanh Việt Nam – Đa dạng trong chuyển đổi số”. Qua chấm thi những tác phẩm, chương trình tham gia thi năm nay, bà đánh giá sự thể hiện theo chủ đề này như thế nào, thưa bà?
PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng: Những năm trước, nếu chương trình phát thanh trực tiếp chỉ xuất hiện tại liên hoan và trên làn sóng phát thanh của Đài PT-TH địa phương, năm nay các Đài PT-TH thể hiện rõ sự chuyển đổi số khi phát thanh chương trình trên đa nền tảng. Ngoài việc phát các chương trình trên nền tảng sóng radio, họ còn đưa lên trên fanpage của mình, website của họ cũng như các ứng dụng khác như Youtube… để tiếp cận đa diện và tương tác với công chúng tốt hơn. Từ đó, các Đài có thể thu thập được các tư liệu liên quan đến thông tin chia sẻ, nhận định, bình luận…
Nhất là những đề tài nóng, chương trình làm hay thì nhận được lượng rất lớn lượng quan tâm, chia sẻ và bình luận của công chúng. Tôi thấy có sự lan tỏa rất tốt của phát thanh.
Sức lan tỏa và hiệu quả ngay sau khi phát sóng
PV: Như bà đã chia sẻ, năm nay một số Đài PT-TH địa phương đã chọn được chủ đề “nóng”, gây hiệu ứng rất tốt trong dư luận xã hội. Có thể nêu một cái tên đó là chương trình của Đài PT-TH Hải Phòng “Chuyện Some – Những góc khuất”. Những tác phẩm như vậy đã phản ánh được hơi thở của cuộc sống hay không, thưa bà?
PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng: Tôi đánh giá các chương trình phát thanh dự thi năm nay nhìn chung có tính phản biện xã hội rất tốt. Những vấn đề nhạy cảm, vấn đề nóng đã được tiếp cận một cách có chiều sâu, trực tiếp nhưng rất tế nhị, nhạy cảm. Tôi cũng đặc biệt đề cao việc tính nhân văn, tính định hướng rất tốt khi truyền tải thông tin.
Chương trình “Chuyện Some – Những góc khuất” của Đài PT-TH Hải Phòng là một ví dụ. Sau khi nghe/xem chương trình đó, chúng ta có thể phần nào hiểu hơn về những góc khuất, những bi kịch tinh thần mà một số người trong xã hội, dù là người từng tạo ra những bi kịch, hay người vô tình đi vào sai lầm và phải trả giá. Quan trọng nữa, chương trình không phải là dấu chấm hết mà thông tin mở ra cho họ cách đi, cách gợi mở để có thể tự giải phóng cho bản thân mình.
Một chương trình khác cũng gây ấn tượng đối với tôi là “Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp – Cần hay không? của Đài PT-TH Nghệ An tính phản biện rất cao, dám nghĩ, dám nhìn nhận thẳng thật vào những vấn đề mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng nói.
Ngoài ra, chương trình “Hạnh phúc cho em” của Đài PT-TH Sơn La cũng mang đến hiệu quả đáng chú ý là ngay sau chương trình lên sóng, ekip thực hiện chương trình cũng như Hệ sinh thái nuôi em Mộc Châu đã nhận được kết nối của rất nhiều khán thính giả. Nhiều mạnh thường quân đã quyết định đồng hành, tài trợ cho giáo dục vùng cao Sơn La, với số tiền gần 260 triệu đồng.
PV: Nhìn chung có thể nói là các chương trình tham gia Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI – năm 2024 có chất lượng tốt và đến gần hơn với công chúng so với những năm trước. Bà có lời khuyên gì cho các phóng viên phát thanh thực hiện tác phẩm của mình khi tham gia các Liên hoan Phát thanh sắp tới để có thể đạt kết quả cao, thưa bà?
PGS-TS Đinh Thị Thu Hằng: Có thể nói là các tác phẩm dự thi năm nay có sự tiến bộ rất rõ ràng về mặt chất lượng, nội dung và hình thức của các chương trình/sản phẩm dự thi.
Một sản phẩm/chương trình đem đến với Liên hoan Phát thanh toàn quốc không nên đặt nặng mục tiêu trình diễn. Ban Giám khảo chúng tôi đánh giá cao tính thời sự, khách quan, chân thực và tính phát hiện trong việc tiếp cận chủ đề của chương trình, chiều sâu thông tin mà chương trình đó chuyển tải. Nhân vật lựa chọn như thế nào? Câu chuyện xúc cảm tạo ra được cho người nghe là ra sao? Vấn đề quan trọng ở đây là câu chuyện mà tác phẩm/chương trình mang đến thực sự chạm đến trái tim của người nghe.
Bên cạnh những yếu tố chuyên môn, khía cạnh liên quan đến nội dung và hình thức, chúng tôi cũng đặt mình trong vai trò là một khán thính giả để đánh giá các chương trình. Do đó, những đề tài, chủ đề thể hiện tính phát hiện, đi vào những vấn đề quan trọng, nổi bật của đời sống được nhiều công chúng quan tâm và cách giải quyết thấu đáo, chân thực sẽ được đánh giá rất cao.
PV: Vâng. Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Vov.vn