Ngày nay các công ty công nghệ trên thế giới đặc biệt quan tâm đến các kỹ năng về AI như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP- Natural language processing), kiến thức về Toán logic, toán thống kê (statistics)… Đặc biệt là kiến thức nền của ứng viên, khả năng tiếp thu, học hỏi nhanh chóng, liên tục, kỹ năng phản biện…
Đây là thông tin được TS Trần Mai, Nhà khoa học dữ liệu cao cấp và kiến trúc sư giải pháp AI tại Tập đoàn công nghệ IBM (Na Uy) chia sẻ tại Tọa đàm Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ tương lai do Trường Đại học Nguyễn Trãi tổ chức hôm nay (5/7).
Chuyên gia này cho rằng, trước sự phát triển mạnh mẽ của AI, các doanh nghiệp đang dần tính toán xem bao nhiêu phần trăm công việc có thể tự động hóa bằng công nghệ, và bao nhiêu phần trăm do con người đảm nhiệm. Trong các doanh nghiệp, một số vị trí việc làm đã dần được thay thế bằng AI. Đơn cử như ngành thiết kế đồ họa, các doanh nghiệp đang dùng AI để hỗ trợ một cách hiệu quả nhất. Hay các công việc liên quan đến chăm sóc khách hàng, trả lời khách hàng qua đường dây nóng. Nhân viên tư vấn AI có thể tiếp nhận thông tin và chuyển về từng bộ phận chuyên môn để tư vấn sâu hơn… Trong lĩnh vực công nghệ, các kỹ sư cũng có thể sử dụng AI để tự động hóa, thay thế một số bước lập trình cơ bản.
Bên cạnh những ngành đang dần bị thay thế, cũng có nhiều vị trí việc làm mới xuất hiện. Đơn cử như trong lĩnh vực công nghệ cũng xuất hiện một số vị trí việc làm mới như Prompt engineer (Quá trình tạo ra đầu vào cho các công cụ AI như ChatGPT, GPT-2… nhằm thu được kết quả đầu ra phù hợp và đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dùng- PV), AI engineer (kỹ sư trí tuệ nhân tạo) – đây là 2 vị trí mới nổi, các doanh nghiệp đang săn lùng để tuyển dụng.
Đánh giá về nhu cầu tuyển dụng của các tập đoàn công nghệ trên thế giới, TS Trần Mai cho rằng, nhà tuyển dụng đang rất quan tâm đến các kỹ năng về AI như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP- Natural language processing), kiến thức về Toán logic, toán thống kê (statistics)… Đặc biệt, trong quá trình phỏng vấn, doanh nghiệp sẽ rất quan tâm đến kiến thức nền của ứng viên, khả năng tiếp thu, học hỏi nhanh chóng. Bởi ngay cả khi có xuất phát điểm từ các lĩnh vực khác nhau, nhưng nếu có khả năng tiếp thu, học các kiến thức mới nhanh, doanh nghiệp vẫn ưu tiên tuyển dụng và chấp nhận đào tạo lại. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm như giao tiếp, phản biện cũng đặc biệt quan trọng.
Nói về nhu cầu tuyển dụng ngành IT trong nước, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng nhận định, Việt Nam là một trong những nước phát triển rất nhanh chóng về internet, nền tảng số. Cả nước hiện có khoảng 974.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chắc chắn trong bối cảnh chuyển đổi số, việc phải sử dụng CNTT và nhân lực CNTT là điều tất yếu. Nhu cầu xã hội với nguồn nhân lực về công nghệ là rất lớn. Song hiện nay mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực CNTT vô cùng khốc liệt, không chỉ cạnh tranh giữa các ứng viên trong nước, mà còn vấp phải sự cạnh tranh quốc tế.
“Chúng tôi vẫn nói rằng, kỹ sư CNTT của Việt Nam rất thông minh, giỏi chuyên môn, nhưng vốn ngoại ngữ còn yếu, đây là một hàng rào vô cùng lớn trong quá trình hội nhập thế giới. Nếu chú ý quan sát, chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi thấy trong rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam ở lĩnh vực CNTT đang có cả những nhân sự người Ấn Độ. Một thời gian tới nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng, rất có thể ứng viên trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhân sự từ nước ngoài.
Người Ấn độ không chỉ có nền tảng chuyên môn tốt về công nghệ mà trình độ Tiếng Anh rất tốt, thái độ làm việc phù hợp với toàn cầu. Do vậy, ngay từ giờ, nếu không rèn luyện ngoại ngữ, chuyên môn cũng như xây dựng cho mình tác phong, thái độ chuyên nghiệp để thích nghi với môi trường làm việc toàn cầu, ứng viên trong nước sẽ rất khó cạnh tranh”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Dương cũng nói thêm rằng, thế hệ Gen Z ngày nay rất tài năng, tuy nhiên vẫn cần bổ sung thêm nhiều yếu tố để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động như khả năng làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng giờ giấc làm việc, những nguyên tắc cơ bản trong doanh nghiệp. Một thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp sẽ giúp ứng viên có cơ hội gắn bó với doanh nghiệp và phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, cần thực sự chăm chỉ, với ngành CNTT đòi hỏi sự cập nhật và học hỏi không ngừng, nếu dừng quá trình tự học, ứng viên đó sẽ rất nhanh chóng bị tụt hậu phía sau.
Nguồn: Vov.vn