Tình trạng “ngồi nhầm lớp” vì sao tiếp diễn?

Sáng nay (18/7), kỳ họp thứ 24 của HĐND tỉnh Bình Thuận, khóa XI tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sau khi nghe Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận Nguyễn Thị Toàn Thắng trả lời, nhiều ý kiến đặt vấn đề về tình trạng “ngồi nhầm lớp” đang xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Chỉ là trường hợp cá biệt?

Theo đại biểu, có thực trạng là ở nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, một số học sinh không đáp ứng được yêu cầu bậc học, nhất là các trường ở vùng nông thôn, miền núi, thậm chí có trường ở xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên các em này vẫn được lên lớp, vẫn được đánh giá hoàn thành chương trình. 

Đại biểu Huỳnh Thị Mỹ Hạnh cho rằng, cần phân tích kỹ nguyên nhân của tình trạng này, trong đó việc đánh giá chất lượng trường, lớp có liên quan đến đạt chuẩn nông thôn mới hay không?

tinh trang ngoi nham lop vi sao tiep dien hinh anh 1
Đại biểu Huỳnh Thị Mỹ Hạnh đặt vấn đề về tình trạng “ngồi nhầm lớp”

“Ngoài chuyện cơ sở vật chất, trường đạt chuẩn thì chất lượng giáo dục cũng ảnh hưởng một phần đối với một số trường chuẩn quốc gia. Nếu như trường đạt chuẩn mà có yêu cầu về nông thôn mới thì có bị ảnh hưởng bởi yếu tố đó hay không”, đại biểu Huỳnh Thị Mỹ Hạnh nói.

Đại biểu Lê Minh Tuấn băn khoăn “việc ngồi nhầm lớp cả một năm mà giáo viên không biết thì nên xem lại”. Theo ông Tuấn, trên địa bàn thị xã La Gi, đa số các trường giáo viên không dám cho học sinh ở lại lớp.

“Bởi vì có tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của giáo viên. Giáo viên nào có học sinh ở lại lớp thì đánh giá là chất lượng thấp, dạy không tốt. Vậy Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có băn khoăn về vấn đề này hay không. Trong các năm học tới, Giám đốc có can đảm để cho các học sinh không đủ chất lượng lên lớp ở lại lớp hay không?”, đại biểu Lê Minh Tuấn cho biết.

tinh trang ngoi nham lop vi sao tiep dien hinh anh 2
Đại biểu Lê Minh Tuấn phát biểu

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận Nguyễn Thị Toàn Thắng cho rằng, hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” là có cơ sở, nhất là các trường ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, học sinh lớp 3, lớp 4, khả năng đọc, viết chỉ ở mức độ lớp 1, nhưng đây chỉ là các trường hợp cá biệt.

Ngoài ra qua kiểm tra chuyên môn gắn với khảo sát thực tế, vẫn có học sinh đọc, viết còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình, nhất là học sinh lớp 1 ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, học sinh khuyết tật học hòa nhập.

“Ngồi nhầm lớp” nhưng vẫn lên lớp

Liên quan vấn đề đại biểu Lê Minh Tuấn nêu, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận cho biết, qua số liệu mà ngành giáo dục tổng hợp được, trong năm học 2023-2024 tại thị xã La Gi, số học sinh chưa hoàn thành chương trình cụ thể như sau: lớp 1 là 54 học sinh, chiếm tỷ lệ 2,61%; lớp 2 là 10 học sinh, chiếm tỷ lệ 0,5%; lớp 3 là 4 học sinh, chiếm tỷ lệ 0,2% và lớp 4 là 1 học sinh, chiếm tỷ lệ 0,05%.

tinh trang ngoi nham lop vi sao tiep dien hinh anh 3
Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận Nguyễn Thị Toàn Thắng trả lời chất vấn

Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng nói: “Mục tiêu là phải phổ cập giáo dục tiểu học, cho nên các cấp quản lý của Phòng giáo dục, của Ủy ban tăng cường nâng cao chất lượng cũng như sự phối hợp của các ngành có liên quan với mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học. Để đảm bảo duy trì nông thôn mới thì đến lớp 5 là 100% học sinh hoàn thành chương trình lớp học”.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác kiểm tra, giám sát, khảo sát chất lượng giáo dục học sinh tại các cơ sở giáo dục chưa được thường xuyên.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa Phòng Nội vụ với Phòng Giáo dục và Đào tạo một vài địa phương chưa chặt chẽ trong công tác tham mưu, bố trí viên chức quản lí, giáo viên phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Từ đó việc bố trí đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên chưa hợp lý, dẫn đến một vài nơi còn thiếu theo quy định và giáo viên thừa, thiếu cục bộ, phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Nguồn: Vov.vn