Ukraine “đi trên dây” trước những biến số khó đoán định của nền chính trị Mỹ

Giữa bối cảnh tương lai chính trị của Tổng thống Biden vẫn chưa rõ ràng và sự ủng hộ của cựu Tổng thống Donald Trump không chắc chắn cùng với hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra, giới lãnh đạo Ukraine đang phải “đi trên dây” để giữ thế cân bằng.

Tình thế “đi trên dây” của Ukraine

Ukraine – quốc gia vốn phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ để chiến đấu, từ lâu đã cố gắng duy trì sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Washington. Điều này chưa bao giờ là dễ dàng và ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi khả năng cựu Tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng ngày càng gia tăng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được hỏi gần như trong mọi cuộc trả lời phỏng vấn rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump ở Nhà Trắng liệu sẽ có ý nghĩa gì với Ukraine. Trong khi ông Zelensky lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận thì đôi khi những nhận định cảm tính vẫn được bộc lộ trong quan điểm của nhà lãnh đạo Ukraine, rằng ông Trump có thể chấm dứt sự hỗ trợ quân sự cho nước này và cho phép Nga thành công đạt được các mục tiêu ở Ukraine.

ukraine di tren day truoc nhung bien so kho doan dinh cua nen chinh tri my hinh anh 1
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: New York Times

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh Channel 4 News của Anh, Tổng thống Zelensky cho biết, khẳng định của ông Trump vào tuần trước trong cuộc tranh luận với Tổng thống Biden rằng chỉ mình ông biết con đường dẫn tới hòa bình “có một chút đáng sợ”.

“Tôi đã nhìn thấy rất nhiều nạn nhân. Và điều đó thực sự khiến tôi căng thẳng”, ông Zelensky nói với Bloomberg. Theo ông: “Nếu có những rủi ro cho sự độc lập của Ukraine, nếu chúng tôi mất đi nhà nước, chúng tôi muốn sẵn sàng cho điều này. Chúng tôi muốn biết rằng liệu tháng 11 tới chúng tôi sẽ nhận được sự hỗ trợ của Mỹ hay sẽ trở nên đơn độc”.

New York Times nhận định, Tổng thống Vladimir Putin dường như ủng hộ triển vọng ông Trump quay lại Nhà Trắng khi đưa ra bình luận tại một hội nghị thượng đỉnh ở Astana, Kazakhstan.

“Thực tế là ông Trump, với tư cách là ứng viên tổng thống, nói rằng ông ấy sẵn sàng và muốn dừng cuộc xung đột ở Ukraine là điều chúng tôi sẽ xem xét một cách rất nghiêm túc”, Tổng thống Putin nói, đồng thời cho biết: “Tôi chưa biết ý tưởng của ông ấy về việc ông ấy sẽ thực hiện điều đó như thế nào và đây là một câu hỏi quan trọng. Nhưng tôi không nghi ngờ gì việc ông ấy đã nói điều đó một cách chân thành và chúng tôi ủng hộ việc này”.

Hồi tháng 4, tờ Washington Post đưa tin, ông Trump đã bí mật nói về kịch bản cho phép Nga giữ lại bán đảo Crimea (được Moscow sáp nhập vào năm 2014) và vùng Donbass (mà Nga đang kiểm soát một phần) để đối lấy hòa bình. Hai cố vấn chủ chốt cho ông Trump cũng đã trình lên ông một kế hoạch chấm dứt xung đột vũ trang mà theo đó, Ukraine sẽ chỉ nhận được thêm vũ khí Mỹ nếu chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Tổng thống Putin đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Ukraine phải đồng ý với các biện pháp “phi quân sự hóa” không thể đảo ngược như một điều kiện tiên quyết để ngừng bắn.

Tháng trước, ông Putin nói Nga sẵn sàng mở ngay các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine nếu nước này rút quân khỏi Donbass và các khu vực khác Moscow tuyên bố sáp nhập, đồng thời cam kết duy trì tình trạng trung lập. Ông cũng nói thêm rằng bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng phải được phương Tây công nhận và dọn đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga. Cả Kiev và phương Tây đều bác bỏ đề nghị này.

Các quan chức Ukraine cả công khai và bí mật cho rằng môi trường chính trị bị phân cực sâu sắc ở Mỹ cùng với những nỗ lực của Nga nhằm khoét sâu những chia rẽ này, sự khó đoán định của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng như một Nhà Trắng đang bị phân tâm bởi nhiều vấn đề có thể tạo ra một thách thức ngoại giao khó khăn.

“Thực sự thì chúng tôi đang ở trong tình thế tương đối dễ tổn thương hiện nay”, ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine nhận định.

Ông Oleksandr Merezhko cho rằng: “Nếu ông Trump trở thành tổng thống, đó không phải là cú sốc với chúng tôi”. Tuy nhiên, việc tiếp cận những người thân cận với ông Trump, theo ông, “cần được thực hiện một cách khéo léo để không khiến đảng Dân chủ phản đối”.

“Chúng tôi rất thận trọng để không vướng vào những tranh cãi chính trị nội bộ ở Mỹ. Chúng tôi không muốn phá hủy quan hệ với bất kỳ ai”, quan chức Ukraine cho hay.

Mối lo ngại của Ukraine

Trên thực tế, Ukraine cảm thấy không hài lòng với cả 2 đảng của Mỹ. Nỗi thất vọng của Ukraine về nhịp độ hỗ trợ chậm chạp cũng như các giới hạn sử dụng vũ khí của chính quyền Tổng thống Biden chẳng khác là bao so với những lo ngại về sự quay trở lại của ông Trump.

Các quan chức Ukraine kín đáo cho rằng, các chính sách của chính quyền Tổng thống Biden khiến cho Ukraine rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không có những vũ khí cần thiết để giành chiến thắng và cũng không có sự ủng hộ trọn vẹn của Mỹ trước những nỗ lực của Kiev nhằm bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình theo các điều khoản có lợi cho Ukraine. Tổng thống Biden đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vào tháng trước bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky. Thay vào đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tham dự sự kiện này.

Các quan chức Ukraine có thể cảm thấy nhẹ nhõm một phần từ tuyên bố ngắn của ông Trump trong cuộc tranh luận khi ông nói rằng các điều khoản của Nga nhằm chấm dứt xung đột là không thể chấp nhận được. Nhiều quan chức cũng cho rằng Ukraine có sự ủng hộ sâu sắc trong đảng Cộng hòa và họ hy vọng điều đó sẽ ảnh hưởng tới ông Trump.

ukraine di tren day truoc nhung bien so kho doan dinh cua nen chinh tri my hinh anh 2
Cựu Tổng thống Trump trong phiên tranh luận với ông Biden ở Atlanta. Ảnh: New York Times

Họ nhận định, quan trọng hơn, ông Trump là một người khó đoán định và nếu ông không thể đảm bảo một thỏa thuận với ông Putin cũng như cảm thấy vai trò bị suy giảm trong quá trình này, cựu Tổng thống Mỹ có thể tăng cường sự hỗ trợ và nhiều khả năng là người ít bận tâm đến những lo ngại leo thang căng thẳng.

“Đó là một nghịch lý. Ông ấy dễ đoán trong sự khó đoán của mình”, ông Merezhko nói.

Mối lo ngại trước mắt với Ukraine là vòng xoáy tranh luận về tương lai chính trị của ông Biden có thể trở thành chủ đề chính trong cuộc họp thượng đỉnh của NATO ở Washington tuần này, giữa bối cảnh NATO đang hướng đến một vai trò lớn hơn trong việc điều phối nguồn cung vũ khí và đạn dược cho Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng tránh để ông Trump có cơ hội chỉ trích họ về các cam kết hỗ trợ dài hạn cho Ukraine trong khi các chính phủ mới ở Pháp và Anh đều đang đối mặt với những thách thức kinh tế đáng kể.

Một số nước phương Tây đang tiến hành các biện pháp để cố gắng đảm bảo tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine bất kể điều gì diễn ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhưng những vấn đề chính trị nội bộ của họ đang làm phức tạp thêm những hành động tập thể.

Chẳng hạn, các đại sứ NATO đã nhất trí tuần trước sẽ thành lập một văn phòng ở Kiev nhưng những nỗ lực giữa các nước thành viên nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho Ukraine trong nhiều năm đã thất bại.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ban đầu thúc đẩy ý tưởng 5 năm với khoản hỗ trợ 100 tỷ USD cho Ukraine và đề nghị một số nước thành viên hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, Washington cùng một số nước bày tỏ nghi ngờ về đề xuất này và cho rằng nó sẽ có thể đối mặt với sự phủ quyết từ các quốc gia không mấy ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine, chẳng hạn như Hungary và Slovakia. Thay vào đó, các nước NATO chỉ nhất trí đóng góp 40 tỷ USD vào năm tới cho Ukraine, tương đương với các khoản đóng góp trước đây và không có cam kết cụ thể về sự hỗ trợ trong tương lai.

Nguồn: Vov.vn