Ukraine đột kích xuyên biên giới vì muốn Nga phải “trả giá”?

Giới quan sát cho rằng việc Kiev tấn công xuyên biên giới vào Moscow là nhằm mục đích khiến người dân Nga hiểu rằng việc quân đội nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ “phải trả giá”.

Vào cuối tháng 7, Ukraine nói nước này đã tấn công một máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 của Nga tại căn cứ Olenya ở Murmansk, một địa điểm nằm sâu khoảng 1.770km bên trong lãnh thổ Nga. Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Ukraine nhắm vào các địa điểm nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Tháng 6/2024, Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) cho biết các lực lượng của Ukraine đã tấn công một tiêm kích Su-57 đỗ tại sân bay ở khu vực Astrakhan ở phía Nam nước Nga, cách tiền tuyến 580km.

ukraine dot kich xuyen bien gioi vi muon nga phai tra gia hinh anh 1
Binh lính Ukraine sửa chữa một phương tiện quân sự gần biên giới Nga ở khu vực Sumy. Ảnh: Reuters

Vào tháng 5/2024, Cơ quan An ninh Ukraine cũng thông báo về một UAV tầm xa của Ukraine tấn công cơ sở lọc dầu của Gazprom nằm cách Cộng hòa Bashkortostan của Nga gần 1.500km.

Ukraine hiện chưa được phép sử dụng các vũ khí dẫn đường tầm xa như ATACMS để tấn công vào các mục tiêu bên trong nước Nga. Kiev thay vào đó sử dụng các UAV sản xuất nội địa giá rẻ cho các cuộc tấn công này, Mark Cancian, một cố vấn cấp cao trong Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định với Business Insider.

“Những vũ khí này được nhồi đầy chất nổ và bay sâu vào lãnh thổ Nga”, ông Cancian nói.

Theo ý kiến của các chuyên gia chia sẻ với Business Insider, trong khi việc nhắm đến các mục tiêu xa tiền tuyến có thể khiến Ukraine tự dàn mỏng các lực lượng của mình thì những cuộc tấn công này có 3 mục tiêu dưới đây.

Gây tổn thất về vật chất và kinh tế

Các cuộc tấn công vào những địa điểm liên quan đến quân sự như căn cứ không quân và các cơ sở công nghiệp quốc phòng có mục tiêu loại bỏ hoặc vô hiệu hóa tạm thời các trang thiết bị Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thậm chí những cuộc tấn công có vẻ nhỏ cũng có tác động to lớn.

Trong trường hợp cuộc tấn công vào căn cứ không quân Olenya, diễn biến mà sau đó Ukraine cho biết đã phá hủy 2 oanh tạc cơ Tu-22M3, học giả nghiên cứu cấp cao Justin Bronk tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng nó đã gây ra “tác động có thể đo lường được”. Theo ông, bởi vì phi đội đang hoạt động của Nga không lớn nên ngay cả việc tổn thất 2 tiêm kích triển khai tên lửa chống lại Ukraine cũng có thể gây ra tác động đáng kể.

Các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu có mục tiêu “làm giảm doanh thu của Moscow”, John Hardie, Phó Giám đốc Chương trình về Nga tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận định với Business Insider. Mặc dù vậy, ông cho rằng mức tác động chúng tạo ra vẫn cần thảo luận.

Doanh thu từ dầu mỏ của Nga vào tháng 4/2024 đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, Bloomberg đưa tin. Điều này đã nhấn mạnh đến thành công của Điện Kremlin trong việc đối phó với lệnh trừng phạt của hương Tây và chuyển hướng thị trường.

Reuters hồi tháng 4 cho biết, Nga dường như có thể nhanh chóng sửa chữa một số cơ sở lọc dầu quan trọng bị hư hại trong các cuộc tấn công của Ukraine, giảm khả năng tác động xuống 10% từ con số gần 14% vào cuối tháng 3.

Gia tăng sức ép lên các hệ thống phòng không của Nga

Ukraine đang hy vọng sẽ “áp đảo các hệ thống phòng không Nga” với các cuộc tấn công UAV quy mô lớn, chuyên Hardie nói, đồng thời cho biết các hệ thống phòng không của Nga có thể sẽ “khó phát hiện cũng như bắn hạ các UAV cỡ nhỏ hoặc bay gần mặt đất”.

“Nga đã điều chỉnh các hệ thống phòng không của mình sau khi các cuộc tấn công UAV trước đó và được cho là đã thành lập các đội chống UAS (hệ thống máy bay không người lái) cơ động. Tuy nhiên, Nga là một đất nước rộng lớn nên việc bảo vệ mọi nơi là điều khó khăn”, chuyên gia này nói.

Nga đã bắt đầu “khá lâu sau Ukraine trong việc phát triển các biện pháp đối phó với mối đe dọa UAV tầm xa”, chuyên gia Hardie nhận định và cho rằng Nga “chưa có hệ thống cảm biến phân tán giá rẻ nào như hệ thống mà Ukraine sử dụng để phát hiện UAV Shahed”. Do đó, các cuộc tấn công này đặt Nga vào “tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng”.

Với sự rộng lớn của lãnh thổ Nga và số lượng mục tiêu tiềm năng mà Ukraine có thể tấn công, Moscow “hoặc buộc phải bảo vệ bằng cách đưa các hệ thống phòng không ra khỏi khu vực tiền tuyến, hoặc để các mục tiêu trong nước không được bảo vệ từ đó chịu tổn thất liên tục”, chuyên gia Bronk đánh giá.

Chiến tranh tâm lý

Các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga cũng tạo cho Điện Kremlin một vấn đề chính trị nghiêm trọng, đó là dân thường Nga bắt đầu nhận ra “nhà nước không thể bảo vệ toàn bộ không phận của mình”, ông Bronk nói.

Chuyên gia Cancian cũng nhất trí với điều đó, cho rằng tác động “tâm lý” của những cuộc tấn công này là rất quan trọng. Một trong những mục tiêu chính của Ukraine là “gây bẽ mặt cho Nga về quân sự và gây lo lắng trong dân chúng nước này”.

Điều đó sẽ khiến cho người Nga thấy rằng “việc tấn công Ukraine sẽ phải trả giá”, ông Cancian bình luận.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, bất chấp những thành công ban đầu, cuộc đột kích vào Nga có thể khiến một số đơn vị có năng lực nhất của Ukraine bị hao mòn và khiến quân đội ở Donetsk không có lực lượng tăng viện quan trọng. Việc cố gắng thiết lập sự hiện diện lâu dài ở khu vực Kursk cũng có thể là một thách thức với lực lượng của Ukraine giữa bối cảnh tuyến tiếp tế của họ dễ bị hỏa lực Nga tấn công.

Nguồn: Vov.vn