Trên chiến tuyến gần thành phố công nghiệp Kramatorsk, những binh sỹ Ukraine canh giữ chiến hào cho biết họ đang thiếu hụt loại vũ khí cực kỳ quan trọng đó là đạn pháo 155mm. Cuộc khủng hoảng đạn dược của Ukraine đã khiến xung đột xoay chuyển theo hướng có lợi cho Nga.
Ukraine đối mặt tình trạng khủng hoảng đạn dược
Nhiều người trong số họ đã đổ lỗi cho Quốc hội Mỹ về tình trạng khan hiếm nguồn cung. Họ cho rằng Quốc hội Mỹ đã không nhanh chóng phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD, vốn được thông qua hồi tháng 4/2024 sau nhiều tháng trì hoãn. Nhưng khi nguồn cung cấp mới được chuyển giao, Ukraine vẫn bị áp đảo về vũ khí và đạn dược.
Theo Reuters, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đạn dược tại Ukraine bắt đầu từ cách đây nhiều năm, có nguồn gốc từ các quyết định và tính toán sai lầm của quân đội Mỹ lẫn đồng minh trong khối NATO, xảy ra rất lâu trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự của Nga năm 2022. Những sai lầm về chiến lược, tài trợ và sản xuất của phương Tây trong một thập kỷ qua đã góp phần không nhỏ vào việc gây ra cuộc khủng hoảng.
Chẳng hạn, trong khoảng thời gian từ năm 2014 cho đến năm 2022, những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của các chỉ huy quân sự hàng đầu của NATO và các quan chức điều hành hoặc giám sát nhà máy sản xuất vũ khí của Mỹ hầu như không được chú ý. Họ cảnh báo rằng ngành công nghiệp đạn dược của liên minh không được trang bị đầy đủ để tăng cường sản xuất nếu xung đột diễn ra. Trên thực tế, nhiều dây chuyền sản xuất đạn pháo của các nhà máy ở Mỹ và châu Âu đã hoạt động chậm lại hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Ông Bruce Jette, cựu quan chức của Quân đội Mỹ lưu ý: “Đây là một vấn đề đã kéo dài từ lâu”. Còn Lord David Richards, cựu chỉ huy lực lượng NATO ở Afghanistan nói rằng, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chính trị gia phương Tây đã không lắng nghe lời khuyên của các chỉ huy NATO về việc dự trữ đạn pháo ở mức cao hơn. Họ cho rằng, ngành công nghiệp quốc phòng hoàn toàn có thể khởi động lại dây chuyền sản xuất đạn pháo nếu quân đội cần.
Những khẩu pháo lớn và đạn dược là yếu tố then chốt quyết định khả năng của Kiev trong việc định hình chiến tuyến dài 1.000km. Pháo binh có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Các loại đạn cỡ 155mm và những loại đạn tương tự được cho là rất quan trọng vì chúng có sức nổ và tầm bắn mở rộng cần thiết để phá hủy thiết giáp cũng như gây thương vong cho đối phương. Theo đánh giá của các chỉ huy Ukraine, kể từ khi xung đột bắt đầu, pháo binh đã gây ra hơn 80% trường hợp thương vong cho cả hai bên.
Thiếu tá Anton Bayev, người giúp điều phối việc hỗ trợ pháo binh cho quân tiền tuyến Ukraine ở Rừng Kreminna cách Kramatorsk khoảng 60 km, cho biết tình trạng thiếu đạn pháo khiến ông cảm thấy lo lắng. Ông nói rằng, bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, nguồn cung cấp đạn pháo cũ của Liên Xô gần như không còn nữa và đạn pháo 155 mm sắp cạn kiệt. Vào mùa xuân, có những thời điểm cả lữ đoàn của ông chỉ có 4 quả đạn pháo mỗi ngày để bảo vệ vùng lãnh thổ kéo dài hàng chục km.
Canh bạc nguy hiểm
Theo ông Doug Bush, Trợ lý thư ký của Quân đội Mỹ về mua sắm, hậu cần và công nghệ, sự chậm trễ của Quốc hội Mỹ trong việc thông qua các khoản viện trợ dành cho Ukraine đã gây ra tác động trên chiến trường.
Hồi đầu cuộc chiến, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cam kết giúp Ukraine thay thế những loại pháo cũ có từ thời Liên Xô bằng các loại pháo hiện đại hơn. Đến cuối năm 2023, nguồn cung cấp đạn pháo từ thời Liên Xô dành cho Ukraine – loại đạn tầm xa tiêu chuẩn có đường kính 152mm – đã gần như cạn kiệt. Sự thiếu hụt loại đạn tương tự từ phương Tây cùng nhu cầu cấp thiết về vũ khí của Ukraine đã khiến Mỹ phải tìm kiếm loại đạn này từ các quốc gia khác, thậm chí rút một số lượng đáng kể từ kho dự trữ của nước này.
Vẫn chưa rõ Mỹ còn bao nhiêu đạn pháo cỡ 155mm trong kho dự trữ. Nhưng quân đội nước này cho biết họ đang sản xuất khoảng 36.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Để giúp quân đội đạt mục tiêu sản xuất 100.000 quả đạn pháo mỗi tháng vào cuối năm 2025, Quốc hội Mỹ gần đây đã phê duyệt khoản kinh phí 6 tỷ USD để sản xuất các loại đạn pháo mới, nâng cấp những nhà máy cũ và xây dựng nhà máy đạn dược mới. Chưa rõ liệu nỗ lực này có giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga hay không. Nhưng có một thực tế là trong khi Nga có thể chuyển hướng nền kinh tế sang thời chiến, tăng cường mua đạn pháo từ các nước đồng minh và đối tác thì sự thiếu hụt đạn pháo đang bào mòn các lực lượng Ukraine trên chiến trường.
Vào tháng 10/2023, Ukraine đã phải kết thúc cuộc tấn công một cách đột ngột và quân đội nước này buộc phải chuyển từ hoạt động pháo kích sang hoạt động phòng thủ, bắt đầu đào các chiến hào. Với số lượng pháo binh hạn chế, Ukraine không đủ khả năng tấn công mạnh mẽ để ngăn chặn bước tiến của Nga. Các chỉ huy của Kiev cũng lo ngại, quân đội Nga có thể tràn vào và chiếm lĩnh các vị trí của họ bất cứ lúc nào.
Một sỹ quan cấp cao trong bộ tham mưu Ukraine cho biết, khi quân đội nước này sử dụng 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày, chỉ có khoảng 35 đến 45 binh sỹ Ukraine thiệt mạng. Nhưng khi hỏa lực giảm xuống một nửa, số người thiệt mạng lên đến hơn 100. Sỹ quan này nhấn mạnh: “Những quả đạn pháo này đã xây dựng một bức tường bảo vệ cho các binh sỹ của chúng tôi”.
Theo các chỉ huy Ukraine, số lượng đạn pháo của Nga và Ukraine chênh nhau với tỷ lệ 5:1. Nếu như Nga bắn ít nhất 5 quả thì Ukraine chỉ có thể bắn 1 quả. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu binh sỹ trầm trọng.
Volodymyr Havrylov – cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết, ngay cả trước khi các nguồn tài trợ từ Quốc hội Mỹ bị trì hoãn, họ đã được giới chức Mỹ thông báo rằng không thể sản xuất đạn pháo nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu chiến đấu của các binh sỹ trên chiến trường. Một số quan chức Mỹ nói rằng Ukraine nên thay đổi cách tiếp cận với cuộc chiến và tự tìm cách khắc phục khi nguồn cung đạn dược bị giảm.
Đạn cỡ 155mm ít được sử dụng trong cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, khiến nhiều nhà hoạch định quân sự tin rằng loại vũ khí này ngày càng lỗi thời. Nhưng đây là những cuộc chiến bất đối xứng giữa một quân đội chính quy với các lực lượng nổi dậy, khác biệt hoàn toàn với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Khi quân đội của 2 nước đối đầu với nhau, giá trị của pháo binh được xác định bằng con số thương vong của mỗi bên.
Một cựu quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, người đã tham gia cuộc đánh giá của Quân đội năm 2023, cho biết: “Mọi người hiểu rủi ro và chúng tôi chấp nhận rủi ro vì người ta cho rằng ngành công nghiệp vũ khí có thể tăng trưởng mạnh. Nhưng có lẽ không ai hiểu được những thách thức mà ngành này phải đối mặt”.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thừa nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề sản xuất vũ khí mà liên minh này đang phải đối mặt. “Chúng ta cần một chính sách công nghiệp mới ở phương Tây”, ông Biden nhấn mạnh.
Nguồn: Vov.vn